Người mắc bệnh Alzheimer có thể sống bao lâu?
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu (Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của con người. Thống kê cho thấy, trên thế giới có ít nhất 50 triệu người đang sống chung với bệnh Alzheimer hoặc các hội chứng sa sút trí tuệ khác. Nếu không có những đột phá trong việc chẩn đoán và hạn chế bệnh, tỷ lệ này có thể vượt quá 152 triệu người vào năm 2050.
Bác sĩ Liệu cho biết thêm, tuổi thọ trung bình của người mắc bệnh Alzheimer sau khi chẩn đoán là 8 đến 10 năm nhưng cũng tùy thuộc vào tiền sử sức khỏe của mỗi người mà tuổi thọ có thể rút ngắn hoặc kéo dài hơn. Tuy nhiên, phát hiện và điều trị sớm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bệnh Alzheimer có khả năng di truyền không?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các đột biến trong các gene như protein tiền thân amyloid (APP) trên nhiễm sắc thể 21, Presenilin 1 (PSEN1) trên nhiễm sắc thể 14 và Presenilin 2 (PSEN2) trên nhiễm sắc thể 1 sẽ dẫn đến việc sản xuất các protein bất thường có liên quan đến bệnh. Một đứa trẻ có cha hoặc mẹ ruột mang đột biến gene của một trong ba loại gene phía trên có 50/50 cơ hội thừa hưởng đột biến đó.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, người mắc hội chứng down có một bản sao của nhiễm sắc thể số 21 (APP), làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer giai đoạn đầu. Trong đó, nhiều người mắc hội chứng Down phát triển bệnh với các triệu chứng xuất hiện ở độ tuổi 50 hoặc 60.
Triệu chứng của bệnh Alzheimer xuất hiện khi nào?
Bác sĩ Liệu chia sẻ, hầu hết những trường hợp mắc bệnh Alzheimer khởi phát muộn sẽ xuất hiện triệu chứng ở độ tuổi ngoài 60, trong khi triệu chứng của các trường hợp khởi phát sớm thường xảy ra ở độ tuổi 30 và giữa 60 (chiếm dưới 10% tổng số ca bệnh).
Các triệu chứng của bệnh Alzheimer sẽ khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào những phần não bị ảnh hưởng hoặc căn bệnh cụ thể đang gây ra chứng mất trí của họ bao gồm sa sút trí nhớ và khả năng nhận thức, khó khăn khi diễn đạt bằng ngôn ngữ, thay đổi hành vi, tâm trạng, tính cách, nhầm lẫn thời gian hoặc địa điểm, đặt đồ vật sai vị trí và không thể nhớ lại mình đã từng làm gì.
Hội chứng Alzheimer tiến triển đến giai đoạn muộn có thể gây ra các biến chứng như ngã và gặp chấn thương, nhiễm trùng đường niệu hoặc viêm phổi xảy ra khi người bệnh hít phải thức ăn, chất lỏng hay dịch nhầy từ dạ dày vào phổi thay vì không khí.
Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị nhưng có một số loại thuốc giúp duy trì chức năng tâm thần, quản lý các triệu chứng hành vi và làm chậm một số vấn đề, chẳng hạn như mất trí nhớ ở người bệnh Alzheimer. Sự quan tâm chăm sóc và những yêu thương chân thành từ người thân và những người xung quanh cũng là "liều thuốc" giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Bác sĩ Liệu khuyến cáo, bệnh Alzheimer xảy ra do tiến trình lão hóa não bộ theo thời gian và tuổi tác nhưng có thể đến sớm hay muộn, mức độ trầm trọng hay giảm nhẹ là do lối sống và sinh hoạt của mỗi người. Có thể phòng ngừa bệnh đến sớm bằng cách thường xuyên tập luyện thể dục, xây dựng chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học, phòng ngừa các bệnh tim mạch, tránh các chấn thương ở vùng đầu... Người nhà nên chú ý đến các biểu hiện bất thường ở người lớn tuổi trong gia đình, đưa họ đi khám ngay để được kiểm tra và điều trị bệnh từ sớm.
Hoàng My