ThS.BS.CKI Hạp Tiến Lộc, khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết Tamiflu được sử dụng cho bệnh cấp tính không biến chứng hoặc phòng ngừa nhiễm các loại cúm A, cúm B, cúm lợn. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa virus đồng thời làm giảm ho, sốt, đau họng, ớn lạnh... Khi cho trẻ dùng thuốc, phụ huynh cần lưu ý vấn đề sau đây.
Liều lượng sử dụng như thế nào?
Trẻ dưới một tuổi nên sử dụng 3 mg/kg/ngày. Với nhóm trẻ trên một tuổi, liều dùng phụ thuộc vào cân nặng. Cụ thể trẻ dưới 15 kg dùng 30 mg, 16-23 kg là 45 mg, 24-40 kg là 60 mg và trên 40 kg dùng 70 mg. Tất cả đều chia ra uống hai lần một ngày.
Hiện số ca mắc cúm A đang gia tăng. Khi trẻ bị nhiễm cúm, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện khám để được kê đơn thuốc phù hợp với trình trạng. Phụ huynh không tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc.

Bác sĩ Lộc khám cho bệnh nhi. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Thuốc được bảo quản ra sao?
Cha mẹ có thể bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh nhiệt độ và độ ẩm cao. Nếu thuốc dạng lỏng thì có thể sử dụng trong vòng 17 ngày nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, 10 ngày với nhiệt độ thường.
Nên cho trẻ dùng thuốc viên hay siro?
Trẻ có thể dùng qua đường uống dạng viên nang hoặc chất lỏng. Tùy vào thể trạng người bệnh và mục đích phòng ngừa hay điều trị cúm, bác sĩ kê đơn phù hợp.
Thuốc có tác dụng phụ không?
Phụ huynh cho trẻ dùng thuốc Tamiflu theo chỉ định của bác sĩ, tự ý sử dụng có thể dẫn đến biến chứng hoặc gây kháng thuốc và ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Sau khi uống, trẻ có thể bị đau đầu, buồn nôn hoặc nôn với biểu hiện nhẹ. Cha mẹ cần thông báo cho bác sĩ nếu biểu hiện trên kéo dài hoặc bị phát ban, sưng ngứa, chóng mặt, khó thở, xuất hiện ảo giác, kích động.
Những ai không nên sử dụng thuốc?
Thuốc không được sử dụng cho trẻ dưới hai tuần tuổi, phụ nữ có thai, người lú lẫn, mê sảng. Người bị thận mạn tính hoặc suy giảm chức năng thận, bị dị ứng với thuốc Oseltamivir... cũng cần hạn chế.
Phòng ngừa cúm cho trẻ như thế nào?
Phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa cúm cho trẻ bằng cách đảm bảo chế độ dinh dưỡng hàng ngày, ăn nhiều trái cây, rau xanh, bổ sung vitamin, hạn chế các loại thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ... Trẻ tập thể dục, vận động đều đặn bằng bơi lội, đạp xe, chạy bộ, cầu lông... Không nên tập quá sức và đảm bảo thời gian nghỉ ngơi để phục hồi cơ thể.
Virus cúm A lây lan qua đường hô hấp, vì vậy cần đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ, tránh tiếp xúc với người bệnh. Trẻ nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay sau khi về nhà. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ dùng trong nhà, đồ chơi của trẻ bằng dung dịch lau chùi chuyên dụng hoặc cồn sát khuẩn. Giặt sạch khăn, quần áo, ga giường, thảm... Có thể trồng cây xanh hoặc máy lọc không khí trong nhà.
Theo bác sĩ Lộc, cách phòng bệnh cúm hiệu quả cho trẻ em và người lớn là tiêm phòng định kỳ hàng năm. Vaccine giúp cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại các kháng viêm của virus Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N).
Đình Lâm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |