Đau đầu là một trong những rối loạn phổ biến ở hệ thần kinh, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây đau đầu thường xuyên.
Mắc chứng đau nửa đầu
Chứng đau nửa đầu thường xảy ra do sự co thắt của hệ thống mạch máu não, giải phóng các chất gây viêm gây đau xung quanh dây thần kinh và mạch máu ở đầu. Bệnh phổ biến ở người 35-45 tuổi, nhất là ở phụ nữ do suy giảm nội tiết tố giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
Với kiểu đau đầu này, người bệnh có cảm giác như đau ở một vùng bất kỳ trên đầu, đau nửa đầu sau, đau một bên. Tình trạng này cũng trầm trọng hơn khi hoạt động thể chất và kéo dài hàng giờ, trong 2-3 ngày.
Căng thẳng
Đau đầu do căng thẳng là chứng rối loạn đau đầu nguyên phát phổ biến nhất. Các đợt cấp có thể xảy ra dưới 15 ngày mỗi tháng, trường hợp mạn tính kéo dài hơn. Đau đầu do căng thẳng thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên, với các vấn đề chủ yếu liên quan đến căng thẳng. Đây là tình trạng gia tăng áp lực hoặc căng cứng quanh đầu.
Thiếu ngủ
Ngủ đủ giấc là một phần quan trọng để giữ sức khỏe. Khi ngủ, cơ thể tự phục hồi để não duy trì hoạt động tối ưu. Thiếu ngủ có mối liên hệ với đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng. Ngủ không đủ giấc thúc đẩy quá trình tạo ra các protein gây đau mạn tính trong cơ thể. Những protein này làm giảm ngưỡng chịu đau và có thể dẫn đến chứng đau đầu dữ dội.
Thiếu giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) cũng khiến những cơn đau đầu dữ dội hơn. Giấc ngủ REM diễn ra trong khoảng thời gian 90-120 phút sau khi ngủ. Giai đoạn ngủ này cũng có đặc trưng là chuyển động cơ thể, thở nhanh hơn, nhịp tim tăng.
Xem thiết bị điện tử nhiều
Một số người bị đau đầu nhiều hơn khi dành hàng giờ đồng hồ để xem điện thoại, máy tính, máy tính bảng... Điều này là do màn hình thiết bị có xu hướng phát ra bức xạ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh và gây đau đầu. Chúng cũng có xu hướng làm suy yếu thị lực, là nguyên nhân khác dẫn đến đau đầu.
Uống quá nhiều cà phê
Uống một vài tách cà phê giúp mang đến sự tỉnh táo và tăng tập trung trong công việc nhưng lại có nguy cơ gây mất nước. Cà phê có hàm lượng caffeine cao, một chất có đặc tính lợi tiểu. Thiếu nước có thể dẫn đến máu đặc lại, tăng các triệu chứng đau đầu dữ dội. Mất nước có thể xảy ra nếu uống từ 5 tách cà phê trở lên mỗi ngày. Nên kiểm soát lượng cà phê và uống ít 1,8-2 lít nước mỗi ngày để bổ sung nước cho cơ thể.
Lạm dụng thuốc
Dạng đau đầu này thường là hậu quả của sử dụng thuốc giảm đau mạn tính và quá mức. Đây là chứng rối loạn đau đầu thứ phát phổ biến, xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn. Đau đầu do lạm dụng thuốc xảy ra nhiều ngày, dai dẳng và có xu hướng nặng hơn khi thức giấc. Nó khiến người bệnh càng phải phụ thuộc vào thuốc.
Một số biện pháp giúp kiểm soát cơn đau đầu bao gồm uống đủ nước, duy trì thói quen ngủ đều đặn, kiểm soát căng thẳng thông qua tập thiền và yoga. Hạn chế tiêu thụ caffeine, kết hợp tập thể dục thường xuyên vào thói quen hàng ngày. Giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ do quá liều. Người bị đau đầu dữ dội hoặc mạn tính cần đi khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân và can thiệp kịp thời.
Bảo Bảo (Theo Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |