Một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm (IVF) bao gồm nhiều bước: kích thích buồng trứng, chọc hút noãn, thu thập mẫu tinh trùng, thụ tinh trứng và tinh trùng trong ống nghiệm, nuôi cấy phôi, chuyển phôi vào buồng tử cung để phát triển thành thai.
Trong quá trình này, bác sĩ có thể chỉ định phụ nữ sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản để tăng mức hormone giúp trứng phát triển khỏe mạnh và kích thích rụng trứng. Thuốc hỗ trợ sinh sản có thể được uống hoặc tiêm, và tạo ra một số tác dụng phụ. Các triệu chứng này thường nhẹ và hết sau vài ngày.
Chảy máu: Một chút máu xuất hiện sau khi chọc hút noãn là bình thường, còn máu ra nhiều trong chu kỳ IVF thì phụ nữ cần liên hệ với bác sĩ. Nguyên nhân là các loại thuốc hormone được sử dụng không chỉ giúp trứng phát triển mà còn làm dày niêm mạc tử cung. Tuy nhiên, phụ nữ gặp trường hợp này không nên quá lo lắng, có thể dùng thuốc giảm đau khi cần và dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ.
Vấn đề về đường tiêu hóa: Thuốc hỗ trợ sinh sản khi thụ tinh ống nghiệm cũng có thể gây ra các vấn đề như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, ợ chua... Phụ nữ có thể sử dụng nhiều loại thuốc không kê đơn để điều trị các vấn đề về tiêu hóa.
Tình trạng đầy hơi giống như khi có kinh là do các hormone được sử dụng để kích thích sự phát triển của trứng giống với các hormone liên quan đến kinh nguyệt thông thường, nhưng được bác sĩ sử dụng với lượng lớn hơn. Ngoài dùng thuốc, uống nhiều chất lỏng như nước dừa, đồ uống điện giải ít đường có thể làm giảm đầy hơi.
Phản ứng dị ứng: Một số phụ nữ bị phản ứng dị ứng với thuốc tiêm. Triệu chứng có thể bao gồm ngứa da hoặc đỏ tại vị trí tiêm.
Buồn nôn, nôn mửa: Nếu cảm thấy buồn nôn, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn thuốc phù hợp để chấm dứt triệu chứng này.
Ngực căng tức: Cảm giác khó chịu ở ngực thường là tác dụng phụ của thuốc hỗ trợ sinh sản. Tình trạng này tương tự như một số phụ nữ gặp phải trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt.
Đau vùng bụng: Trong hoặc sau bước lấy trứng của IVF, người bệnh có thể bị đau vùng chậu, vùng bụng từ nhẹ đến trung bình. Một số người mô tả cơn đau giống như chuột rút. Triệu chứng này thường chỉ cần điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn và hết trong vòng 1-2 ngày sau khi thực hiện thủ thuật. Phụ nữ có thể dùng miếng đệm sưởi ấm vùng bụng để giảm cảm giác khó chịu.
Hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS): Đây là hội chứng xảy ra khi tiêm nhiều hormone trong chu kỳ IVF, dẫn đến quá nhiều nang trứng phát triển. OHSS thường nhẹ và dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, buồn nôn và tăng cân. Các trường hợp nhẹ đến trung bình có thể được điều trị bằng cách nghỉ ngơi và bù nước bằng chất lỏng giàu chất điện giải. Rất ít trường hợp quá kích buồng trứng nặng phải điều trị tại bệnh viện.
Bốc hỏa: Một số phụ nữ cho biết dùng thuốc nội tiết khiến họ bị bốc hỏa cũng như thay đổi tâm trạng. Họ có thể cáu kỉnh, bồn chồn hoặc cảm giác chán nản. Lúc này, hãy mặc quần áo nhẹ, thoáng khí, ở trong không gian mát mẻ, uống nhiều nước, tránh hút thuốc, ăn đồ ăn cay và caffeine. Thực hiện các bài tập hít thở sâu và bài tập tác động thấp như bơi lội, đi bộ hoặc yoga.
Căng thẳng: Tâm lý lo âu là điều khó tránh khỏi khi vô sinh, hiếm muộn. Điều này có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả điều trị. Để xoa dịu cảm giác lo lắng, phụ nữ nên tập hít thở sâu và chậm, vận động thường xuyên với các bài tập phù hợp như yoga. Tắm nước ấm, ngủ đủ 7- 8 tiếng mỗi đêm, dành thời gian nghỉ ngơi để tăng cường sức khỏe.
Chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với bạn đời để giải tỏa áp lực. Quan hệ tình dục cũng giúp giải phóng hormone tạo cảm giác dễ chịu. Liên hệ bác sĩ trị liệu tâm lý khi cần.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |