"Vợ chồng chỉ mong có con, nghèo khó vất vả vẫn cố gắng nuôi con nên người", chị Thoan, 41 tuổi, chia sẻ hôm 23/7 trong căn nhà trọ nhỏ. Chị hiện mang thai hơn 5 tháng, hằng ngày làm nghề giúp việc, bán hàng online. Còn anh Tài chồng chị, 43 tuổi, chạy xe ba gác chở hàng, ai kêu gì cũng làm để kiếm tiền chuẩn bị đón con.
17 năm trước, hai vợ chồng từ Cần Thơ lên TP HCM làm công nhân. Họ được chẩn đoán vô sinh không rõ nguyên nhân. Cứ vài năm họ lại gom tiền thụ tinh ống nghiệm (IVF) nhưng hai lần chuyển phôi thất bại.
Ba năm dịch Covid-19 hoành hành, vợ chồng chị mất việc nhưng vẫn quyết tâm bám trụ thành phố. Hết dịch, họ lần thứ ba dốc hết gia tài để điều trị IVF, đậu thai nhưng đến 16 tuần thì sinh non.
Ba chu kỳ IVF đều thất bại, tốn hơn 500 triệu đồng, song đôi vợ chồng vẫn quyết tâm tiếp tục. "Vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ ngừng hành trình ‘tìm con’", chị Thoan nói.
Họ đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) cuối năm ngoái. Bác sĩ Lê Xuân Nguyên nghi ngờ chị Thoan có bất thường trong buồng tử cung ngăn cản sự bám dính và làm tổ của phôi thai.
Bác sĩ kích thích buồng trứng nhẹ cho chị, chọc hút thu được 23 cụm noãn. Chuyên viên phôi học dùng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) giúp tăng tỷ lệ thụ tinh. Phôi được nuôi cấy trong hệ thống tủ nuôi cấy trang bị camera quan sát liên tục và tích hợp trí tuệ nhân tạo, giúp thu được 6 phôi ngày 5.
Kết quả nội soi buồng tử cung chị Thoan ghi nhận viêm nội mạc tử cung, có nhiều polyp và sang thương gồ ghề trên bề mặt tử cung, lạc nội mạc tử cung. Đây là lý do chuyển phôi thất bại nhiều lần.
Bác sĩ cắt nạo sạch các khối polyp, lấy mô sinh thiết kết quả lành tính. Bệnh nhân được điều trị viêm tử cung và dùng thuốc ức chế lạc nội mạc tử cung trong 3 tháng.
Bác sĩ Nguyên xây dựng phác đồ chuẩn bị niêm mạc tử cung chuyên biệt trên cơ sở sử dụng liều thuốc nội tiết rất thấp, nhằm hạn chế tối đa tình trạng tái phát các sang thương tại buồng tử cung. Chị Thoan được chuyển phôi vào đầu năm 2024, đậu thai sau lần đầu chuyển phôi.
Do lớn tuổi, tiền căn vỡ ối non, cao huyết áp, chị Thoan nhiều lần nhập viện vì động thai, có thời điểm thai nguy cơ bóc tách đến 50-60%. Các bác sĩ theo dõi sát sao thai kỳ, hỗ trợ nội tiết, thuốc cầm máu và thuốc giảm co bóp tử cung, kiểm soát nguy cơ nhiễm trùng gây vỡ ối non. Thai kỳ của chị Thoan vượt qua những giai đoạn nguy hiểm, hiện hơn 20 tuần, phát triển khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Nguyên, tại IVF Tâm Anh TP HCM, 60% bệnh nhân vô sinh hiếm muộn là vợ chồng lớn tuổi, điều trị lâu năm, mắc nhiều bệnh lý, từng chuyển phôi thất bại nhiều lần. Vợ chồng chị Thoan là trường hợp hiếm muộn lâu nhất mà trung tâm tiếp nhận.
Nguyên nhân vô sinh có thể xuất phát từ người vợ với tỷ lệ khoảng 40%, do bệnh lý ở buồng trứng, buồng tử cung, rối loạn nội tiết, di truyền... Tỷ lệ vô sinh do nam giới cũng tương đương, 20% còn lại nguyên nhân từ cả vợ và chồng hoặc không rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo vợ chồng vô sinh hiếm muộn nên sớm đến các bệnh viện có Trung tâm Hỗ trợ sinh sản uy tín để khám và điều trị. Phương pháp thụ tinh ống nghiệm hiện đại, hệ thống phòng lab nuôi cấy phôi tốt, chiến lược điều trị cá thể hóa phù hợp với từng bệnh nhân giúp tăng tỷ lệ đậu thai. Tỷ lệ IVF thành công tại IVF Tâm Anh TP HCM ở phụ nữ dưới 28 tuổi là 80,5%, 35-40 tuổi là 63,9%, trên 40 tuổi là 44,1%.
Hoài Thương
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi