Những ngày thời tiết nắng nóng, nhiều người sử dụng quạt, điều hòa làm mát cơ thể, uống nhiều nước đá. Song, sử dụng các phương pháp này sai cách có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tai mũi họng, hô hấp, đột quỵ. ThS.BS.CKI Hồ Văn Hữu (khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) chia sẻ, những sai lầm mà nhiều người thường mắc khi làm mát cơ thể ngày hè để tránh sinh bệnh.
Bật quạt nhanh, thổi trực tiếp vào người
Bật quạt gió thổi trực tiếp vào người, nhất là vùng đầu, mặt giúp giải tỏa cảm giác oi bức khi trời nắng nóng. Tuy nhiên, nếu quạt xối thẳng vào người trong thời gian dài dễ gây đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, khiến cơ thể dễ mất nước... Vùng mũi họng cũng có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến khô rát họng, khô mũi, nghẹt mũi. Bạn có thể cảm nhận rõ sự khó chịu, khát nước, da khô hơn sau một đêm ngủ dưới quạt gió.
Phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ngủ quạt quay với tốc độ nhanh, thổi trực tiếp vào cơ thể. Cách tốt hơn là bật quạt ở mức gió trung bình, đặt cách người từ 2 m, quay đều các hướng. Để quạt hướng lên trần nhà cũng giúp không khí lưu thông tốt hơn, cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn.
Sử dụng quạt khi đổ mồ hôi nhiều
Một sai lầm mà nhiều người thường mắc phải là sử dụng quạt khi vừa ra nắng về, vừa vận động mạnh hay chơi thể thao... Khi mồ hôi tiết ra nhiều, các mạch máu đang giãn nở, có thể làm cơ thể mất cân bằng giữa việc sản sinh nhiệt và tán nhiệt, khiến mạch máu bị co đột ngột, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Một số người còn có thói quen đặt một chậu nước, bỏ thêm đá lạnh trước quạt gió để hơi nước làm mát mũi họng. Theo bác sĩ Hữu, tốt hơn, gia đình có thể chọn quạt hơi nước, máy phun sương tạo ẩm cho không gian sống mát mẻ, dễ chịu hơn. Một số loại máy phun sương còn có khả năng hút bụi, tạo ra các chất khoáng ion lọc không khí, hỗ trợ phòng tránh các bệnh hô hấp.
Bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp
Sự chênh lệch nhiệt độ phòng và ngoài trời quá cao có thể gây sốc nhiệt. Ngay khi đi nắng về, bạn không nên mở ngay điều hòa ở mức nhiệt thấp hay bật quạt với tốc độ vì chênh lệch nhiệt độ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Thay đổi nhiệt độ từ quá nóng sang quá lạnh nhiều lần trong ngày, sẽ gây áp lực lên các cơ quan trong cơ thể để thích nghi với nhiệt độ môi trường.
Điều hòa nên giữ ở mức 26-28 độ C, chênh lệch nhiệt độ tối đa giữa hai môi trường khoảng 6-8 độ C. Phòng ngủ của trẻ, phụ huynh có thể bật ở mức 28 độ C. Dùng điều hòa trong thời gian dài cũng không tốt cho mũi, họng, làm tăng nguy cơ nghẹt mũi, viêm họng, gây mất nước. Thay vì bật điều hòa 24/24, bạn nên mở cửa vào buổi sáng khi chưa nắng nóng để nhà cửa thông thoáng, đón ánh nắng tự nhiên. Vệ sinh điều hòa, nhà cửa thường xuyên nhằm loại bỏ các tác nhân gây hại, cho môi trường sống trong lành hơn.
Uống nhiều nước đá
Nhiều người thường uống nước lạnh, nước đá giải nhiệt cơ thể khi nắng nóng. Song, uống quá nhiều nước lạnh khiến cổ họng dễ bị kích ứng, từ đó dẫn đến viêm họng, khàn tiếng, nhất là với trẻ nhỏ, người thường bị viêm amidan. Thức uống lạnh còn có thể cản trở quá trình tiêu hóa, làm tăng nguy cơ táo bón, khiến cơ thể làm việc nhiều hơn để duy trì mức nhiệt ổn định. Do đó, mọi người nên hạn chế uống nước đá, tốt hơn là chỉ nên uống nước ở nhiệt độ bình thường như hàng ngày. Các loại kem, thực phẩm đông lạnh cũng không dùng thường xuyên. Các loại trà ấm như trà gừng, trà mật ong, trà hoa cúc... tốt cổ họng, có thể uống hàng ngày.
Để phòng tránh bệnh mũi họng, người lớn, trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể súc miệng bằng nước muối khoảng 2-3 lần mỗi ngày. Nước muối có tác dụng sát khuẩn, giảm viêm, góp phần làm sạch vùng miệng, họng. Tốt nhất, gia đình nên mua nước muối sinh lý pha sẵn ở các nhà thuốc để đảm bảo hàm lượng chuẩn, vì dùng nước muối quá mặn hoặc quá nhạt cũng không hiệu quả. Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, dung dịch vệ sinh mũi thường xuyên giúp loại bỏ bụi bẩn, các tác nhân gây ra bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Người có các dấu hiệu đau rát cổ họng, sổ mũi, ho... hơn hai tuần không hết thì nên thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Kim Uyên