Dậy thì là quá trình thay đổi cơ thể, tâm sinh lý của trẻ dần trở thành người trưởng thành. Lúc này trẻ thường phát triển nhanh về xương, cơ bắp, thay đổi hình dạng, kích thước cơ thể, khả năng sinh sản.
Cơ thể trẻ dậy thì thường thay đổi nội tiết tố nhiều, hormone giới tính androgen tăng cao dễ dẫn đến dư thừa. Các hormone dư thừa kích thích tuyến dầu bên trong lỗ chân lông trên da hoạt động quá mức, làm tắc nghẽn các lỗ chân lông hoặc nang lông gây mụn. Da có nhiều dầu, bã nhờn tạo môi trường cho vi khuẩn cutibacterium acnes phát triển quá mức dẫn đến mụn trứng cá.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết hầu hết trẻ dậy thì đều có thể xuất hiện mụn trứng cá. Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp trẻ kiểm soát hoặc hạn chế dư thừa hormone androgen, từ đó hỗ trợ giảm mụn.
Thực phẩm giàu lợi khuẩn (probiotic) như kim chi, dưa cải bắp, cà rốt muối chua, sữa chua. Chúng cải thiện tình trạng mụn trứng cá ở trẻ dậy thì bằng cách giảm hormone androgen và IGF-1 (loại hormone có cấu trúc phân tử tương tự như insulin), giảm nguy cơ tắc nghẽn nang lông gây viêm dẫn đến mụn trứng cá. Thực phẩm giàu lợi khuẩn còn hỗ trợ cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ trẻ dậy thì giảm mụn.
Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh (chất béo không bão hòa) như cá béo, trái bơ, dầu ôliu, các loại đậu, dầu cá, các loại hạt. Chất béo lành mạnh điển hình như axit béo omega-3, omega-6, omega-9 có tác dụng kháng viêm, giảm sưng, đau do mụn trứng cá. Omega-3 có khả năng điều tiết hoặc giảm tình trạng dư thừa nồng độ androgen - loại hormone có thể gây tắc nang lông và tăng phản ứng viêm, dẫn đến hình thành mụn trứng cá.
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như nghệ, quế, tỏi, gừng, trà xanh, mật ong, các loại hạt. Chúng có tác dụng chống viêm, hạn chế hoặc giảm tổn thương tế bào da do quá trình oxy hóa, ngăn chặn sự phát triển quá mức của các loại vi khuẩn, nhất là cutibacterium acnes. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa còn hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phục hồi, tái tạo da, giảm hình thành sẹo do mụn trứng cá.
Rau củ như bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn, ớt chuông, bí xanh, cà chua, cà rốt. Chúng cung cấp nhiều loại vitamin C, E, beta-carotene (tiền chất của vitamin A), các sắc tố thực vật carotenoid cùng nhiều hợp chất chống oxy hóa. Các dưỡng chất giúp kháng viêm, hỗ trợ kiểm soát dầu trên da, ngăn ngừa vi khuẩn độc hại phát triển quá mức gây viêm, tắc lỗ chân lông khiến mụn hình thành.
Trái cây tươi như trái mọng (nho, dâu tây, việt quất, mâm xôi, cherry), trái cây có múi (bưởi, cam, quýt, chanh), đu đủ, chuối, táo, lê, ổi, đào. Chúng cung cấp dồi dào các loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa tăng cường đề kháng, hỗ trợ bảo vệ tế bào da khỏe mạnh. Hàm lượng cao axit citric trong nhiều loại trái cây giúp tẩy tế bào chết làm sạch da, loại bỏ một phần các vết nám trên da sau mụn.
Vitamin A góp phần ngăn u nang, nốt sần, kiểm soát dầu trên da. Vitamin C thúc đẩy quá trình trao đổi chất, làm sạch bụi bẩn, bã nhờn, tăng tổng hợp collagen giúp se khít lỗ chân lông, da thông thoáng, ngăn ngừa sự phát triển quá mức của các loại vi khuẩn gây mụn. Vitamin E chống viêm, phòng tránh hiện tượng sưng và phù trên da do mụn trứng cá.
Bác sĩ Trà Phương cho biết mụn trứng cá có thể gây nhiễm trùng hoặc để lại sẹo rỗ, da sần sùi. Trẻ dậy thì nổi nhiều mụn trứng cá nên đi khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Trẻ nên uống nhiều nước, khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày, giữ nước cho da, giảm tích tụ tế bào da chết, góp phần duy trì làn da sạch mụn. Vệ sinh da đúng cách, tránh sử dụng các sản phẩm dưỡng da chứa thành phần gây kích ứng, kết hợp dưỡng ẩm để ngăn tình trạng khô da.
Trẻ hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ ăn vặt, bánh kẹo, chocolate, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều calo, chất béo không lành mạnh và carbohydrate tinh chế, tăng nguy cơ khiến mụn trứng cá nặng. Tránh căng thẳng, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá hoặc sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
Trường Giang
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |