Con người hay bất kỳ một sinh vật nào, ngay từ khi sinh ra đã có nhu cầu tự thân là chiếm những tài nguyên cần thiết để duy trì sự sống của mình. Tài nguyên trong tự nhiên vốn không có nhiều để chia đều cho tất cả chúng ta nên sự cạnh tranh đã bắt đầu. Đa phần con người sinh ra đã có sẵn ít nhiều tính ghen tỵ với nhau, đó cũng là thứ khiến loài người phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết và chiếm lấy phần lớn tài nguyên trong tự nhiên.
Bản tính hướng thiện chỉ phát triển khi chúng ta cảm thấy no đủ về vật chất và nhu cầu sinh lý bình thường. Nên chúng ta thấy trong tháp nhu cầu của Maslow thì các nhu cầu an toàn, trực thuộc cộng đồng, thể hiện bản thân... chỉ xuất hiện sau các nhu cầu sinh lý là ăn mặc, ngủ nghỉ, sinh sản...
Hướng thiện là một quá trình học tập, phấn đấu mới có được. Kể cả tình cảm gia đình, người thân cũng chỉ hình thành qua quá trình sống với nhau, trao đổi yêu thương, vun đắp tình cảm, chia sẻ, chứ không phải bỗng dưng mà có. Có nhiều người có thể sử dụng tính ghen tỵ bản năng của mình để ra sức phấn đấu, phát triển năng lực của mình để nhanh chóng phát triển các kỹ năng nghề nghiệp, gia tăng khả năng cạnh tranh hơn người của mình. Điều này cực kỳ có lợi khi nó áp dụng trong học tập, nâng cao thành tích, hay học tập, kỹ năng nghề nghiệp.
Có nhiều đôi bạn cùng tiến, hoặc đám bạn cạnh tranh nhau các vị trí cao từ giảng đường đến môi trường công việc. Có nhiều người chứng kiến đối thủ, hay bạn mình giải được một bài toán khó mà về tức tối không ăn, không ngủ, cố gắng học tập để giải được bài toán khó hơn nhằm vượt qua đối thủ. Có người không kiếm được hợp đồng lợi nhuận cao bằng đồng nghiệp, bằng cấp không cao như đồng nghiệp mà về tìm mọi cách để có hợp đồng lớn hơn, giá trị hơn, hoặc học tập nhiều hơn để vượt qua đối thủ.
Hình thức cạnh tranh này trong triết học duy vật có đề cập là "ở đâu có đấu tranh (cạnh tranh) thì ở đó có phát triển". Những cá nhân được gọi là thành công trong lĩnh vực của họ là những người có khả năng cạnh tranh cao nhất, hay gọi nôm na là "người tài năng".
>> Cam chịu sếp tồi là lỗi của bạn
Nếu các bạn cạnh tranh thành công thì không sao, nhưng các bạn biết hậu quả của việc thất bại sẽ là gì không? Nó sẽ giết chết các mối quan hệ xã hội, các cơ hội làm ăn, sự nghiệp của bạn... Các bạn có không lạ với những câu chuyện như hai người bạn thuở nhỏ cùng là bạn thân học tập cùng nhau nhưng bỗng nhiên gia đình một trong hai bạn kia giàu lên, người bạn thua cuộc lại quay sang nói xấu bạn mình rồi nghỉ chơi với nhau.
Hay những đám bạn khi là sinh viên nghèo khổ ở cùng nhau, học tập cùng nhau, rất yêu thương nhau, chia sẻ với nhau từng gói mỳ tôm, từng quả trứng... vậy mà sau 5 năm sau họ bỗng nhiên quay mặt vì trong đám bạn ấy có người đã giàu lên, thành công có nhà lầu, xe hơi... trong những người khác đang ở nhà thuê. Rồi đám bạn quay sang nói xấu đứa giàu có lên kia là nhờ nâng đỡ, nhờ gian dối...
Có rất nhiều bạn trẻ tài năng khi ra trường, học giỏi, chuyên môn cao, nhưng lại không có khả năng hợp tác thậm chí hay nói xấu sếp, đồng nghiệp vì ghen tỵ với tài năng, địa vị, thậm chí của cải, gia đình của họ. Có nhiều bạn trẻ không đi làm vì cảm thấy bất công khi mình tài giỏi hơn sếp mà lại phải đi làm thuê cho một người bất tài nhưng giàu có hơn mình.
Họ quên mất rằng, sếp vốn là người hoàn thành công việc thông qua mượn nhờ, thuê năng lực của người khác. Vậy bạn nghĩ khi nào họ sẽ thuê, hay nhờ năng lực của người khác? Đó là khi họ không giỏi chuyên môn đó hoặc đơn giản là không đủ thời gian để làm. Đó là lý do đa phần các sếp đều có xuất thân từ bộ phận bán hàng hay quản lý quan hệ khách hàng, chứ không phải từ bộ phận kỹ thuật, chuyên môn. Nhưng các sếp lại giỏi ở lĩnh vực nhìn người, quản lý và sử dụng con người.
Do đó, muốn thành công trong sự nghiệp, các bạn trẻ phải học cách trang bị kỹ năng "biết chấp nhận thất bại" vì không ai là bất bại mãi cả. Nếu biết chấp nhận thất bại tạm thời thì Chu Du đâu có chết lãng xẹt vì cảm thấy thua Gia Cát Lượng. Sự thật cho thấy, đa phần những nhân vật thành công trên thế giới đều là những người biết nhẫn nhục, chờ thời cơ trước khi hành động.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.