Tiếp tục tranh luânh xung quanh vấn đề "phản biện sếp", nhiều độc giả VnExpress chia sẻ quan điểm thế nào là phản biện đúng cách:
Tôi là người rất hay có tư duy phản biện. Trong công ty, tôi là người nổi bật, làm xóa tan đi các nghi ngờ với các chính sách của tổ chức, cũng như là người lôi ra nhiều vấn đề của doanh nghiệp, và cả trong công việc. Tôi hai lần là nhân viên xuất sắc, có KPI cao nhất nhóm. Nhưng rồi một ngày, tôi biết mình bị sếp cho "leo cây" vì hứa tăng lương mãi chẳng thèm tăng. Tôi không thèm làm nữa, cũng chẳng buồn nói chuyện với sếp nữa. Sếp biết ý, liền gọi tôi lên bảo cho tôi đi Nhật, Singapore, và tăng lương cho tôi gấp hai lần. Lúc đó, trong đầu tôi lại phản biện tiếp "người ta còn đang mời tôi về với mức lương cao gấp ba lần, đi Anh nữa kìa", nhưng tất nhiên tôi không nói ra. Thế đấy, phản biện cũng phải biết điểm dừng, đừng để mọi chuyện đi quá xa, thành đối đầu là 'cãi sếp', khi đó bạn sẽ đi rất xa, xa khỏi công ty luôn.
Nếu bạn phản biện đúng, hợp lý thì mọi người sẽ càng nể. Nhưng nếu có nhiều người nói bạn này nọ thì đôi khi cũng nên xem lại mình. Vì nhiều người chưa chịu thẩm thấu vấn đề đã lo phản biện. Khi tôi đi học lớp buổi tối cùng các anh chị đã đi làm, có một anh cứ hỏi vặn ngay khi cô vừa dứt lời. Tôi không thấy câu hỏi đó làm rõ hay đi sâu vào bài học, mà chủ yếu hỏi nhảm để làm phức tạp vấn đề.
Phản biện khác cãi tay đôi. Trong cuộc họp, tôi thấy nhiều người cãi chứ không phải phản biện. Phản biện là nói ra những cái chưa hợp lý, phải có chứng cứ rõ ràng. Cãi ngang là nhiều khi hiểu chưa sâu, áp đặt suy nghĩ cá nhân mình thấy bất cập. Đi họp với họ là tôi biết ngay ai hay nói càn, linh tinh, xong lại cứ nghĩ mình giỏi hơn sếp.
Là nhân viên, bạn có thể phản biện cũng được, tranh luận cũng được... miễn sao không làm mất mặt sếp, mất vai trò chủ đạo của sếp. Bạn có thể xin sếp cho làm đầu mối thực hiện đề xuất, cam kết đảm bảo lợi ích cho sếp, cho tập thể chứ không phải cho bạn là nhất.
>> Quan điểm của bạn về phản biện sếp thế nào? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.