Xuất huyết có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào bên trong đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non, đại tràng, trực tràng.... Nếu xuất huyết xảy ra tại thực quản, dạ dày hoặc phần đầu của ruột non (tá tràng) thì được gọi là xuất huyết tiêu hóa trên. Nếu xuất huyết ở phần dưới ruột non, đại tràng, trực tràng hoặc hậu môn sẽ được gọi xuất huyết tiêu hóa dưới.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết, xuất huyết tiêu hóa đặc trưng bởi các biểu hiện như phân lẫn máu, đi tiêu ra máu đỏ hoặc phân đen sệt, tanh hôi; nôn ra máu có màu đỏ tươi, đỏ bầm hoặc nâu đen, có lẫn thức ăn và dịch nhầy... Nôn hoặc đi ngoài ra máu sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Do đó, tùy theo mức độ mất máu, người bệnh có thể cảm thấy xanh xao, mệt mỏi, vã mồ hôi, yếu tay chân, đau ngực, đau bụng, tụt huyết áp...
Bác sĩ Ngọc Bích cho biết, xuất huyết tiêu hóa là hậu quả của thói quen sống không lành mạnh như uống nhiều rượu bia, chế độ ăn thiếu khoa học, lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc nam, thuốc bắc... Tình trạng này còn là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý như sau:
Loét dạ dày - tá tràng: là nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết. Tình trạng này xảy ra khi tổn thương tại các lớp niêm mạc, dưới niêm mạc hoặc có khi đến lớp cơ của dạ dày - tá tràng nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori, sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau kéo dài, do căng thẳng hoặc trên bệnh nhân có bệnh lý nền nặng...
Giãn tĩnh mạch thực quản: là biến chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa, thường xảy ra ở người mắc bệnh xơ gan. Người bệnh thường nôn ra máu lượng nhiều hoặc tiêu máu đỏ bầm vì lượng máu nhiều di chuyển nhanh qua ruột, nếu không được xử lý kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.
Hội chứng Mallory - Weiss: cũng là một nguyên nhân thường gặp. Người bệnh có thể nôn nhiều hoặc ợ nhiều trước khi nôn ra máu, chảy máu từ những vết rách niêm mạc thường ở vị trí dạ dày.
Ung thư dạ dày, ung thư đại tràng: khối u thường chảy máu rỉ rả gây tiêu máu ẩn hoặc tiêu phân đen. Người bệnh thường có thể trạng kém, được chẩn đoán dưạ trên nội soi kèm sinh thiết.
Bệnh túi thừa: túi thừa là những túi niêm mạc nhô ra từ những cấu trúc ống trong đường tiêu hóa, những mạch máu tại các vùng túi thừa này thường dễ bị tổn thương dẫn tới chảy máu. Xuất huyết từ túi thừa đại tràng gây xuất huyết tiêu hoá dưới, ít gặp hơn là từ túi thừa tá tràng gây xuất huyết tiêu hoá trên.
Bệnh trĩ: là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hoá dưới dưới phổ biến. Tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu kèm ứ máu liên tục sẽ dẫn đến phình giãn đám rối tĩnh mạch ở ống hậu môn và tạo thành các búi trĩ tại đây. Tình trạng này kéo dài thường gây xuất huyết từ các búi trĩ, người bệnh có thể thấy máu đỏ tươi trong phân hoặc trên giấy vệ sinh khi lau.
Theo bác sĩ Ngọc Bích, nếu không được điều trị kịp thời, xuất huyết tiêu hóa có thể dẫn đến các biến chứng đáng lo ngại như thiếu máu mạn tính, thiếu máu cấp tính, thậm chí là sốc mất máu và tử vong.
Thiếu máu mạn tính là tình trạng xuất huyết rỉ rả kéo dài, thường gây thiếu máu thiếu sắt. Các triệu chứng điển hình của thiếu máu mạn tính như chóng mặt, suy nhược, khó thở, kém tập trung...
Thiếu máu cấp tính xảy ra do mất máu nhiều, đột ngột có những biểu hiện rõ rệt hơn như da lạnh, niêm nhạt, giảm huyết áp, giảm lượng nước tiểu; ảnh hưởng tri giác như vật vã, li bì hay mất ý thức. Nghiêm trọng nhất là tình trạng sốc, có thể gây những tổn thương không thể phục hồi, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các dấu hiệu của sốc bao gồm tụt huyết áp, huyết áp thấp hoặc không đo được, mạch đập nhanh nhẹ khó bắt, biểu hiện giảm tưới máu mô như tay chân lạnh, rối loạn tri giác...
Bác sĩ Ngọc Bích khuyến cáo, xuất huyết tiêu hóa có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề, do đó, khi phát hiện các triệu chứng của tình trạng này, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện gặp bác sĩ để được thăm khám.
Phi Hồng