Theo tờ Healthline (Mỹ), táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng khoảng 10-20% người lớn trên thế giới mỗi năm. Táo bón gây ra tình trạng đi tiêu căng thẳng, đi ngoài phân cứng và cảm giác đi tiêu không sạch sẽ hoàn toàn.
Có nhiều loại thực phẩm có thể dẫn đến tình trạng táo bón. Dưới đây là một số nguyên nhân từ ăn uống phổ biến gây táo bón cần lưu ý.
Thiếu chất xơ
Các nghiên cứu đã khẳng định, chế độ ăn ít chất xơ có liên quan đến táo bón ở người lớn và trẻ em. Hiệp hội dinh dưỡng Mỹ khuyến nghị một người nên cung cấp 20-35 gram chất xơ mỗi ngày từ thực phẩm thực vật, bao gồm cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Mọi người có thể tăng lượng chất xơ thông qua ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, các loại đậu và các loại hạt.
Uống không đủ nước
Những người dễ gặp phải tình trạng táo bón thường ít uống nước vì nước có vai trò quan trọng trong quá trình tạo phân. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc ăn ít chất lỏng và táo bón ở trẻ em. Do đó, dù chế độ ăn nhiều chất xơ nhưng không cung cấp đủ chất lỏng cũng có thể dễ dẫn đến tình trạng táo bón. Mặc dù các khuyến nghị cụ thể về nước khác nhau tùy theo cơ địa mỗi người nhưng lượng nước được khuyên dùng cho người trưởng thành là từ 9-12 cốc mỗi ngày, tương đương 2-2,7 lít.
Không dung nạp đậu phộng
Bơ đậu phộng rất phổ biến, được dùng đa dạng trong các món ăn như ăn kèm với bánh mì, dùng chung với sinh tố, bột yến mạch và bánh nướng như bánh cốc, trái cây cho một bữa ăn nhẹ. Mặc dù bản thân bơ đậu phộng có thể không gây táo bón nhưng với những người đang mắc chứng không dung nạp đậu phộng, bơ đậu phộng, khi ăn phải thực phẩm này có thể có cảm giác buồn nôn, co thắt dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón.
Những người sau khi ăn bơ đậu phộng nếu cảm thấy khó khăn khi đi vệ sinh, giải pháp đơn giản có thể thực hiện là thay thế nhãn hiệu bơ đậu phộng khác. Nó có thể là loại bơ tự nhiên chỉ chứa đậu phộng và muối, không có chất phụ gia thực phẩm vì các chất phụ gia trong một số nhãn hiệu có thể tác động bất lợi đến sức khỏe đường ruột, có khả năng gây táo bón. Những người bị dị ứng hoặc không dung nạp đậu phộng có thể thay thế bằng các loại bơ hạt khác, chẳng hạn như hoặc bơ hạt điều, bơ hạnh nhân...
Uống nhiều rượu
Rượu thường xuyên được nhắc đến như một nguyên nhân có thể gây khó đi tiêu. Bởi vì nếu uống rượu với một lượng lớn, cơ thể bị mất nước nhiều hơn lượng nước uống vào. Do không uống đủ nước hoặc mất quá nhiều nước qua nước tiểu thường có liên quan đến việc tăng nguy cơ táo bón.
Sử dụng ngũ cốc đã qua chế biến
Ngũ cốc đã chế biến và các sản phẩm từ ngũ cốc chẳng hạn như bánh mì trắng, gạo trắng và mì ống trắng, ít chất xơ hơn và có thể gây táo bón khá cao. Các chuyên gia lý giải, do phần cám và mầm của hạt bị loại bỏ trong quá trình chế biến, trong khi cám chứa chất xơ giúp phân dễ di chuyển.
Uống nhiều sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa cũng là một trong những nguyên nhân gây táo bón ở một số người. Trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ em có nguy cơ táo bón cao, có thể do nhạy cảm với các protein có trong sữa bò.
Ăn nhiều thịt đỏ
Thịt đỏ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón vì ba lý do chính. Thứ nhất nó chứa ít chất xơ và làm tăng khối lượng phân. Thứ hai, thịt đỏ cũng có thể gián tiếp làm giảm tổng lượng chất xơ hàng ngày của một người. Thứ ba, thịt đỏ chứa lượng chất béo cao hơn và thực phẩm giàu chất béo sẽ mất nhiều thời gian hơn để cơ thể tiêu hóa, làm tăng khả năng táo bón.
Anh Chi (Theo Healthline)