Các loại hạt chứa lượng calo cao, chất béo lành mạnh cung cấp năng lượng cho trẻ hoạt động và phát triển, cần thiết cho trí não, cải thiện khả năng ghi nhớ, tập trung. ThS.BS.CKI Hạp Tiến Lộc, khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết trẻ ăn hạt không đúng cách hoặc quá nhiều có thể gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dị ứng
Các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều... chứa protein có thể gây dị ứng cho trẻ với biểu hiện nổi mẩn đỏ, ngứa, mề đay, sưng môi, sưng mặt. Trường hợp nặng bé khó thở, nôn mửa, tiêu chảy hoặc sốc phản vệ đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Gia đình có tiền sử dị ứng thực phẩm, cần cẩn trọng khi cho trẻ thử các loại hạt mới.
Nghẹn và hóc
Trẻ dưới 4-5 tuổi có đường thở nhỏ, kỹ năng nhai nuốt chưa hoàn thiện. Vỏ hạt cứng và mảnh, dù được bóc vỏ vẫn có thể nuốt mà không nhai gây kẹt trong cổ họng hoặc lọt vào đường thở. Trường hợp không xử lý kịp, có thể dẫn đến ngạt thở hoặc tổn thương đường hô hấp.
Nguy cơ tổn thương đường tiêu hóa
Vỏ hạt cứng, sắc nhọn khi nuốt vào bụng không được tiêu hóa có thể gây trầy xước, rách hoặc kích ứng niêm mạc miệng, họng, dạ dày và ruột. Người ăn quá nhiều, nhất là trẻ nhỏ có thể bị tắc ruột.
Thừa calo và chất béo
100 g hướng dương chứa khoảng 600 calo, 50 g chất béo. Trẻ nhỏ ăn nhiều dễ bị đầy bụng, khó tiêu, ít ăn thực phẩm bổ dưỡng khác như rau củ, thịt, cá. Trẻ lạm dụng món ăn này có thể mất cân bằng dinh dưỡng, tăng cân không kiểm soát.
Ngộ độc thực phẩm
Hạt dưa, hạt bí không được bảo quản đúng cách dễ bị nhiễm aflatoxin (một loại độc tố từ nấm mốc), chứa hóa chất tẩy trắng, bảo quản. Bác sĩ Lộc cho biết aflatoxin là chất có thể gây độc cho gan, có nguy cơ dẫn đến ung thư gan nếu ăn trong thời gian dài. Các chất tẩy trắng có thể gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng hoặc kích ứng. Hiện thị trường có nhiều loại hạt tẩm ướp gia vị và các chất phụ gia không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Bác sĩ Lộc khuyên phụ huynh không nên cho trẻ dưới 4 tuổi ăn các loại hạt có vỏ vì nguy cơ hóc cao. Cha mẹ chọn hạt chất lượng, đảm bảo nguồn gốc, không mốc hoặc tẩm hóa chất, gia vị, cần hướng dẫn trẻ lớn bóc và nhai kỹ khi ăn. Bé nên ăn khoảng 10-15 g hạt mỗi ngày, tức khoảng một nắm tay nhỏ. Trẻ có biểu hiện bất thường sau khi ăn như ngứa, khó thở, đau bụng cần đến bác sĩ khám.
Đình Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |