Tụy là tuyến lớn nằm sâu trong ổ bụng, phía sau dạ dày và bắt ngang qua trước cột sống. Tụy gồm ba phần, đầu tụy được bao quanh bởi tá tràng (tá tràng là đoạn đầu tiên của ruột non), phần giữa là thân tụy, đuôi tụy rất gần với lách. Tụy của người trưởng thành dài khoảng 15 cm.
Cơ quan này có chức năng tạo hormone insulin và glucagon để kiểm soát lượng đường trong máu và men tụy giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn trong ruột non.
ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thảo, khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ung thư tụy có nguồn gốc từ tế bào nội tiết hoặc ngoại tiết của tuyến tụy. Tế bào nội tiết tạo ra các loại hormone được giải phóng trực tiếp vào mạch máu. Tế bào ngoại tiết (lớp tế bào lót nằm trong các ống tụy) tạo ra các men tụy, tiết vào trong ruột non để tiêu hóa thức ăn. Ung thư tụy cũng có khi được gọi là ung thư ngoại tiết.
Bác sĩ Thảo dẫn nghiên cứu cho thấy khoảng 90% ca ung thư tụy xuất phát từ tế bào ngoại tiết. Tế bào ung thư thường xuất hiện nhiều ở đầu tụy. Người hút thuốc lá có khả năng mắc ung thư tuyến tụy cao gấp hai lần so với người chưa bao giờ hút thuốc. Khoảng 25% bệnh ung thư tuyến tụy liên quan đến thói quen hút thuốc lá.
Sử dụng thức uống có nồng độ cồn cao cũng có thể dẫn đến ung thư tụy.
Hiện vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng uống bao nhiêu rượu bia sẽ gây ung thư tụy, tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn một ngày, một đơn vị cồn một ngày đối với nữ. Một đơn vị cồn bằng 10 g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 lon bia 330 ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Các yếu tố khác góp phần thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh gồm ít vận động, béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI từ 30 trở lên).
Người mắc bệnh đái tháo đường, sử dụng thuốc tiểu đường lâu năm, viêm tụy mạn tính, tiền căn gia đình viêm tụy, ung thư tụy, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất và kim loại nặng... thuộc nhóm có nguy cơ cao.
Trường hợp thay đổi bộ gene (đột biến gene) có thể tăng khả năng mắc bệnh này. Đột biến gene hình thành khi có sự sai sót xảy ra trong bộ mã hóa gene. Những đột biến này có thể di truyền từ ba mẹ sang con hoặc mắc phải (gene đột biến không mang tính di truyền).
Một số nhóm bệnh có liên quan đến đột biến gene di truyền có khả năng gây ung thư tuyến tụy như viêm tụy có tính gia đình do đột biến gene PRSS1, SPINK1 hoặc CFTR; hội chứng ung thư vú - buồng trứng di truyền do đột biến gene BRCA1 và/hoặc BRCA2.
Đa số bệnh nhân được phát hiện ung thư tuyến tụy khi bệnh ở giai đoạn tiến triển, tiên lượng điều trị và phục hồi kém.
Bác sĩ Thảo khuyến nghị người có triệu chứng như sụt cân nhanh, buồn nôn, nôn ói nhiều, nước tiểu sậm màu, tiêu phân mỡ, vàng da, vàng mắt, khó tiêu, đau bụng, đau lưng, mắc bệnh viêm tụy, đái tháo đường, huyết tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi... nên kiểm tra sàng lọc ung thư tụy.
Các xét nghiệm máu tìm kiếm chất chỉ dấu CA 19-9 (tăng cao ở bệnh nhân ung thư tụy), chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ mật tụy, siêu âm qua ngả nội soi, nội soi mật tụy ngược dòng, đôi khi cần phẫu thuật nội soi ổ bụng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của khối u đến các cấu trúc lân cận cũng như phát hiện các tổn thương di căn.
Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng thức uống nồng độ cồn cao, tránh tiếp xúc thuốc trừ sâu; tăng cường ăn rau xanh; duy trì cân nặng ổn định... giúp giảm nguy cơ mắc loại ung thư này.
Tuệ Trâm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |