Ung thư tuyến tụy hình thành tại một số tế bào của tuyến tụy. Hầu hết, các khối u ung thư tuyến tụy bắt đầu trong tuyến tụy ngoại tiết. Các khối u cũng có thể hình thành trong tuyến tụy nội tiết, nhưng không phổ biến và thường lành tính (không phải ung thư).
Một số phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy phổ biến như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, trong đó, phẫu thuật phổ biến nhất. Người bệnh được cắt bỏ các khu vực chứa khối u, có thể là ruột non, ống mật, túi mật hoặc một phần dạ dày. Cơ thể phải mất nhiều thời gian phục hồi. Dưới đây là 5 cách giúp người bệnh phục hồi tốt hơn sau phẫu thuật.
Phối hợp giảm đau: Sau phẫu thuật, cơn đau sẽ ảnh hưởng đến cơ thể khoảng 1-2 tuần. Cơn đau có thể bắt nguồn từ vết mổ, nhưng cũng có thể do chứng ợ nóng, đầy hơi. Người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc giảm đau, nhất là các loại thuốc giảm đau không kê đơn.
Chia nhỏ bữa ăn: Người bệnh nên ăn 5 bữa nhỏ thay vì ba bữa thịnh soạn. Điều này giúp người bệnh giảm áp lực lên hệ tiêu hóa đang phục hồi, tránh đầy hơi, chướng bụng tác động xấu đến vết mổ...
Ăn nhạt: Thức ăn mặn, đồ cay, nóng, món chiên hoặc nhiều dầu mỡ không tốt cho giai đoạn hậu phẫu. Trong thời gian này, bạn nên chọn các thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, ăn đa dạng các thực phẩm bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Người bệnh có thể bổ sung protein dạng bột (rắc lên thức ăn) giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Theo dõi lượng đường trong máu: Người có tiền sử mắc tiểu đường, phẫu thuật có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng. Lý do là một phần tuyến tụy bị cắt bỏ, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất insulin. Người sau phẫu thuật ung thư tuyến tụy cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn so với bình thường. Do đó, người bệnh nên theo dõi lượng đường trong máu sau phẫu thuật để sớm có phương án điều chỉnh.
Theo dõi chuột rút, đầy hơi và chướng bụng: Nhiều người bị chuột rút, đầy hơi sau phẫu thuật, có thể là những dấu hiệu của tình trạng suy giảm men tụy. Người bệnh nên theo dõi và thông báo với bác sĩ nếu có bất thường.
Ung thư tuyến tụy khó phát hiện sớm, triệu chứng ban đầu không đặc trưng nên thường được chẩn đoán khi bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn. Loại ung thư này bắt đầu từ các tế bào ngoại tiết. Các tế bào này chịu trách nhiệm sản xuất các enzyme tiết vào ruột để tiêu hóa protein, carbohydrate, chất béo.
Nguyên nhân của ung thư tuyến tụy vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, hút thuốc, uống rượu, béo phì... làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Theo Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ, những người có thói quen hút thuốc lá có khả năng mắc ung thư tuyến tụy cao gấp 2-3 lần. Người có chế độ ăn nhiều chất béo, thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, lối sống ít vận động... thường phát triển ung thư tuyến tụy cao hơn người tập thể dục đều đặn, ăn nhiều rau xanh.
Mai Cat (Theo Everyday Health)