Trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng là lựa chọn lành mạnh cho bữa sáng hoặc bữa nhẹ. Tuy nhiên, một số loại không phù hợp để ăn lúc đói do hàm lượng axit, đường và chất xơ cao. Điều này có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa, làm chậm quá trình trao đổi chất.
Trái cây họ cam quýt: Cam, chanh, bưởi... thường có tính axit cao dễ gây trào ngược dạ dày thực quản lúc bụng đói. Chúng cũng có khả năng kích ứng niêm mạc dạ dày, nhất là người có dạ dày nhạy cảm.
Cà chua: Đặc tính axit của cà chua sống dễ gây ra triệu chứng tiêu hóa không mong muốn nếu ăn lúc bụng rỗng. Thêm cà chua vào salad rau củ trong bữa nhẹ là lựa chọn lành mạnh hơn.
Dứa: Bromelain là loại enzyme trong dứa có khả năng gây khó chịu ở dạ dày lúc đói. Thưởng thức dứa sau bữa ăn hoặc dùng chung với các món khác để đem đến lợi ích.
Chuối: Do chứa hàm lượng magiê, kali cao nên ăn chuối lúc đói có thể khó chịu, đầy hơi. Nếu hai chất này tăng quá mức còn ảnh hưởng đến sự cân bằng điện giải trong cơ thể.
Đu đủ: Papain là enzyme hỗ trợ tiêu hóa nhưng có thể gây khó chịu cho đường ruột nếu tiêu thụ lượng lớn lúc đói. Bạn nên ăn đu đủ ở mức độ vừa phải hoặc dùng sau mỗi bữa.
Dưa hấu: Ăn quá nhiều dưa hấu có nguy cơ đầy hơi hoặc khó chịu do hàm lượng nước cao. Thưởng thức dưa hấu trong bữa nhẹ với lượng vừa phải sẽ tốt hơn.
Táo: Chất xơ hòa tan trong táo có thể dẫn đến đầy hơi nếu ăn quá nhiều. Dùng táo sau bữa ăn hoặc giữa các bữa chính là cách thưởng thức lành mạnh hơn, tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Nho: Nho chứa đường tự nhiên cùng hàm lượng nước cao, người ăn lúc đói dễ bị đầy hơi hoặc khó chịu. Để tránh điều này và hỗ trợ tiêu hóa, bạn nên ăn táo cùng thực phẩm khác như sữa chua.
Quả mọng: Dâu tây, việt quất, mâm xôi thường an toàn nếu ăn lúc bụng đói với số lượng nhỏ. Ngược lại, tiêu thụ số lượng lớn khiến hàm lượng chất xơ nạp vào quá nhiều có nguy cơ đầy hơi hoặc tiêu chảy ở một số người.
Trái cây ăn nguyên quả lành mạnh hơn nước ép. Khi ép, chúng đã bị loại bỏ phần lớn lượng chất xơ, chỉ còn lại đường. Chất xơ có tác dụng liên kết với đường trong trái cây và giúp cơ thể hấp thụ đường từ từ, tránh tăng đường huyết quá nhanh.
Ăn trái cây cùng một ít thực phẩm giàu protein hay chất béo để giảm chỉ số đường huyết (GI) và ngăn chặn lượng đường tăng đột biến. Chẳng hạn ăn một nắm hạt với một trái táo hoặc rắc hạt chia, hạt lanh lên trái cây.
Bảo Bảo (Theo Times of India, Health Shots)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |