Trứng
Trứng quen thuộc trong bữa ăn của nhiều gia đình, tốt cho sức khỏe người lớn và trẻ nhỏ. Một quả trứng có 6 g protein, folate, giàu vitamin A, B, D, sắt, axit béo omega-3. Folate giúp sản xuất các tế bào mới. Lòng trắng trứng cũng chứa kali và natri duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Các loại vitamin D, K, khoáng chất canxi thúc đẩy phát triển xương khỏe mạnh.
Choline trong trứng hỗ trợ cải thiện hoạt động não, tăng cường trí nhớ, cung cấp năng lượng và duy trì sự trao đổi chất lành mạnh. Trứng gà chứa chống oxy hóa là lutein và zeaxanthin có thể bảo vệ mắt khỏi những hư tổn do tiếp xúc tia cực tím.
Trẻ có thể ăn một quả mỗi ngày, cân bằng với các thực phẩm khác để cung cấp các chất dinh dưỡng tốt cho phát triển thể chất và trí não. Cha mẹ không nên cho bé ăn trứng sống vì tiềm ẩn nhiều vi khuẩn gây hại sức khỏe. Trứng gà để ở nhiệt độ phòng bình thường có thể giữ được trong vòng 7-10 ngày.
Bí ngòi
Bí ngòi ít calo, carbohydrate, đường, giàu các chất dinh dưỡng thiết yếu như kali, mangan, vitamin A, C. Bí ngòi mềm và có vị nhạt, dễ tiêu hóa, giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy. Món ăn này có đặc tính chống viêm cải thiện sức khỏe tiêu hóa và tim mạch. Ăn bí ngòi cũng hỗ trợ phòng ngừa bệnh tiểu đường vì ít carbohydrate và đường. Chất xơ polyacrylamide góp phần điều chỉnh lượng đường trong máu.
Trẻ có thể không thích ăn rau củ, cha mẹ nên chế biến khéo léo để con làm quen dần. Phụ huynh có thể thái bí ngòi thành sợi, nấu cùng món mì con thích. Nấu bì ngòi với cháo, chế biến thành súp, chiên xù, ăn kèm bánh mì... cũng là những món ngon giúp trẻ thay đổi khẩu vị.
Quả bơ
Loại quả này giàu chất béo không bão hòa đơn góp phần giảm viêm, duy trì mức cholesterol khỏe mạnh. Quả bơ cũng có nhiều kali hơn chuối, giàu chất xơ, vitamin B, C, K, folate. Giống như trứng và bí ngòi, quả bơ cũng dễ chế biến thành nhiều món khác nhau. Ví dụ, ngoài các món bánh mì nướng bơ, cha mẹ có thể làm khoai tây chiên bơ cho con. Nếu bé thích đồ ngọt, bạn có thể làm bánh, chế biến thành món tráng miệng.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, trẻ nên duy trì thói quen vận động thường xuyên để tăng cường sức khỏe xương khớp và phát triển chức năng nhận thức. Các bài tập như chạy nhảy, đạp xe kích thích các sợi cơ, dẫn đến tăng khối lượng, sức mạnh cơ bắp, thúc đẩy trẻ phát triển chiều cao tối ưu. Vận động làm tăng lưu lượng máu oxy đến não, cải thiện khả năng nhận thức và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Lê Nguyễn (Theo FirstCry Parenting)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |