Tiêu chảy thường do nhiễm trùng đường ruột. Vào mùa hè, nhiệt độ nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, gián, ruồi, muỗi, nấm mốc... phát triển nhanh. Chúng trở thành mầm bệnh lây lan các bệnh đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống, dẫn đến đau bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, một số thực phẩm cũng có thể gây tiêu chảy và các triệu chứng liên quan. Khi ăn phải những thực phẩm khó tiêu hóa, lượng nước trong ruột tăng nhanh gây kích ứng niêm mạc hệ tiêu hóa. Những yếu tố này có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tiêu chảy. Tiêu chảy do thức ăn còn có thể liên quan đến không dung nạp lactose hoặc gluten.
Đường và chất làm ngọt nhân tạo
Fructose là một thành phần của đường ăn và có trong trái cây. Tại một thời điểm trong ngày, cơ thể chỉ có thể tiêu hóa một lượng đường fructose nhất định. Nếu cơ thể tiêu thụ nhiều đường fructose hơn mức cần thiết sẽ gây tiêu chảy. Một số loại trái cây chứa nhiều đường fructose như táo, nho... Các chất tạo ngọt phổ biến như sorbitol, mannitol, xylitol và erythritol dễ gây tiêu chảy khi cơ thể không hấp thụ tốt hoặc khi một người tiêu thụ quá nhiều.
Caffeine
Đồ uống và thực phẩm có chứa caffeine có thể gây ra tiêu chảy ở một số người. Caffeine là chất kích thích và đẩy nhanh tốc độ thức ăn di chuyển qua ruột. Các nguồn caffeine phổ biến trong chế độ ăn uống bao gồm chocolate, cà phê, nước ngọt, trà...
Thức ăn nhiều chất béo
Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ gây khó tiêu hóa. Khi ăn nhiều, hệ tiêu hóa phân hủy thức ăn khó khăn. Chất béo trong chế độ ăn uống cũng thúc đẩy sản xuất mật và tăng nước trong ruột non. Sự kết hợp của các yếu tố này có thể dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa và tiêu chảy.
Thức ăn cay
Thực phẩm cay có chứa ớt là một nguyên nhân khác gây tiêu chảy. Capsaicin là hợp chất làm cho ớt có vị cay, có thể kích thích niêm mạc của dạ dày và ruột. Bạn nên tránh thực phẩm chứa nhiều capsaicin để giảm nguy cơ mắc phải các triệu chứng và tần suất tiêu chảy.
Đường lactose
Những người không dung nạp lactose có thể bị tiêu chảy sau khi tiêu thụ các sản phẩm từ sữa. Không dung nạp lactose và kém hấp thu là triệu chứng phổ biến. Một số người không dung nạp đường lactose có thể dung nạp một lượng nhỏ các sản phẩm từ sữa hoặc ít lactose hơn như sữa chua, kefir và pho mát cứng.
FODMAP
Các thực phẩm có hàm lượng FODMAP (các carbohydrate chuỗi ngắn) cao khiến cơ thể gặp khó khăn khi tiêu hóa và có thể gây tiêu chảy. Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) bị tiêu chảy nhận thấy việc tuân theo chế độ ăn ít FODMAP đã cải thiện các triệu chứng tiêu chảy và tăng chất lượng cuộc sống. Một số thực phẩm chứa lượng FODMAP cao như atisô, đậu, tỏi, hành.
Gluten
Gluten là một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Nhiều người gặp phải tình trạng không dung nạp gluten ở các mức độ khác nhau. Thậm chí, một số người gặp phải phản ứng nghiêm trọng khi sử dụng các thực phẩm chứa gluten gây ra tổn thương ruột non, dẫn đến tiêu chảy. Người bị tiêu chảy kéo dài hơn 48 giờ hoặc tiêu chảy có máu, kèm theo đau dạ dày nghiêm trọng, mệt mỏi nên liên hệ bác sĩ. Điều này giúp tránh mất nước và giảm nguy cơ gặp các biến chứng như tăng nhịp tim, chóng mặt, lú lẫn.
Để đánh giá thực phẩm nào gây tiêu chảy, mọi người có thể ghi nhật ký về thực phẩm và triệu chứng xảy ra sau khi ăn. Nó có thể giúp xác định mối liên hệ giữa một số loại thực phẩm và các triệu chứng tiêu chảy.
Khi bị tiêu chảy do thực phẩm, bạn nên giữ đủ nước cho cơ thể, uống nhiều nước hơn ngày thường để duy trì quá trình hydrat hóa, không dùng trà, caffeine, nước trái cây pha loãng... Bạn cũng nên bổ sung thêm probiotics là những vi khuẩn có lợi sống trong ruột. Trong khi thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy thì thực phẩm chứa chất xơ hòa tan giúp thúc đẩy quá trình hình thành phân, giảm tiêu chảy.
Anh Chi (Theo Medical News Today)