Rau cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa mà cơ thể cần để phát triển. Dưới đây là những loại loại rau giàu chất dinh dưỡng nên thêm vào bữa ăn hàng tuần.
Bí đỏ
Bí đỏ giàu vitamin C, kali, chất xơ và magiê. Thực phẩm cũng là nguồn cung cấp beta carotene, tiền chất của vitamin A, rất cần thiết cho sức khỏe và thị lực của mắt. Bí đỏ thích hợp để nấu thành súp, nấu với thịt hầm hoặc nghiền để sử dụng trong các sản phẩm nướng như bánh kếp hoặc bánh nướng xốp.
Cà rốt
Cà rốt là một loại rau củ, giàu chất dinh dưỡng như vitamin C, beta carotene, chất xơ và kali. Thực phẩm chứa các hợp chất có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Mọi người có thể thêm cà rốt vào các món nướng, súp hoặc ăn riêng.
Hành tây
Hành tây là một loại thực phẩm tự nhiên ít calo, ít chất béo, đồng thời là nguồn cung cấp các vi chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm vitamin C và kali. Các lớp bên ngoài của hành tây được chứng minh có hợp chất chống oxy hóa cao.
Hành tây cung cấp quercetin có thể làm giảm huyết áp và giúp duy trì trái tim khỏe mạnh. Tuy nhiên, tác dụng của quercetin đối với huyết áp có nhiều ý kiến trái chiều.
Nấm
Nấm ít calo, chất béo và natri. Thực phẩm phong phú chất dinh dưỡng có ích cho sức khỏe. Nấm chứa chất xơ, kali và nhiều loại vitamin B bao gồm niacin (vitamin B3), riboflavin (vitamin B2) và axit pantothenic (vitamin B5). Khi tiếp xúc với tia UV trong quá trình phát triển, nấm cũng là một nguồn vitamin D dồi dào, dưỡng chất giúp xương chắc khỏe bằng cách giúp cơ thể hấp thụ canxi. Ngoài ra, thực phẩm là nguồn cung cấp ergothioneine, một loại axit amin hoạt động như chất chống oxy hóa, có nhiều lợi ích tăng cường sức khỏe bao gồm giảm nguy cơ ung thư.
Khoai tây
Khoai tây giàu chất dinh dưỡng, cung cấp kali, chất xơ và vitamin C. Thực phẩm giúp giảm huyết áp tự nhiên bằng cách chống lại tác động của natri trong chế độ ăn uống.
Khoai tây cũng giàu carbohydrate, thích hợp cho những người tập thể dục, vận động viên chuyên nghiệp. Khoai tây là nguồn carbs toàn phần trong quá trình tập luyện.
Khi chế biến khoai tây, chú ý hạn chế thêm dầu, bơ và muối để hạn chế chất béo bão hòa và natri. Nên ưu tiên cách chế biến nướng hoặc hấp thay vì khoai tây chiên.
Ớt chuông
Ớt chuông là nguồn cung cấp vitamin C, quan trọng với quá trình hấp thu sắt của cơ thể, sửa chữa da, chức năng miễn dịch. Thực phẩm cũng cung cấp caroten giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch và ung thư.
Củ cải đường
Củ cải đường giàu chất xơ, kali, folate, magiê và phốt pho. Thực phẩm cũng chứa hợp chất betalain có hoạt tính chống oxy hóa, có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Betalain cũng có thể đóng một vai trò trong việc cân bằng huyết áp. Củ cải đường và nước ép từ thực phẩm này thường được các vận động viên sử dụng để hỗ trợ sinh lực do hàm lượng nitrat cao.
Lê Nguyễn (Theo Eating Well)