Vitamin D
Vitamin D hỗ trợ sức khỏe xương, làm giảm viêm và cải thiện khả năng miễn dịch. Cơ thể sản xuất vitamin này khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vitamin D có trong cá hồi, sữa tăng cường, ngũ cốc tăng cường.
0-12 tháng tuổi: Trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ có thể cung cấp mọi nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trừ vitamin D. Trẻ em dưới 12 tháng tuổi cần 400 IU mỗi ngày, tăng lên 600 mg sau 12 tháng.
Trẻ mới biết đi: Trẻ lớn cần ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin D. Phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ nhi khoa để hiểu thêm về nhu cầu của con.
Thanh thiếu niên: Lượng vitamin D khuyến nghị cho trẻ tuổi này là 600 IU mỗi ngày. Nếu bác sĩ nhận thấy mức vitamin D của trẻ thấp có thể chỉ định bổ sung phù hợp.
Sắt
Khoáng chất này vận chuyển oxy cho các mô và cơ quan trong cơ thể, giúp sản xuất năng lượng. Khi lượng sắt thấp, trẻ thường mệt mỏi, yếu. Trẻ sơ sinh cần sắt để phát triển não.
Sắt có trong thịt, hải sản, gia cầm, rau bina, đậu, ngũ cốc tăng cường. Ăn thực phẩm cung cấp vitamin C như trái cây họ cam quýt, bông cải xanh và ớt chuông đỏ giúp tăng khả năng hấp thụ sắt.
0-6 tháng: Hầu hết trẻ sơ sinh tích trữ đủ lượng sắt cần thiết trong khoảng 6 tháng đầu đời.
Trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ: Trẻ 1-3 tuổi cần 7 mg sắt mỗi ngày và 10 mg sắt mỗi ngày với trẻ 4-8 tuổi. Uống quá nhiều sữa bò ở độ tuổi này có thể lấn át các loại thực phẩm khác, khiến trẻ không nhận đủ sắt. Bé không nên uống quá 600 ml sữa mỗi ngày.
Omega-3
Omega 3 quan trọng đối với sức khỏe não bộ, tim mạch, sức khỏe mắt. Axit béo này có trong cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu, quả óc chó, hạt lanh, hạt chia, dầu hạt cải.
0-6 tháng: Sữa mẹ có chứa omega-3 gọi là DHA, ALA, EPA. Trẻ 0-12 tháng cần 0,5 g omega-3 mỗi ngày.
Trẻ sơ sinh: Trẻ nhận được một số omega-3 thông qua sữa mẹ và sữa công thức. Cha mẹ bổ sung cá, hạt lanh cho bé.
Trẻ mới biết đi, trẻ nhỏ: Trẻ 1-3 tuổi cần 0,7 g omega-3 mỗi ngày. Khi 4 đến 8 tuổi, nhu cầu tăng lên 0,9 g mỗi ngày. Trẻ nên ăn hạt chia, thêm dầu hạt lanh vào sinh tố.
Trẻ lớn và thanh thiếu niên: Sau 9 tuổi, nhu cầu về omega-3 của trẻ tăng lên hơn 1-1,6 g mỗi ngày. Phụ huynh tiếp tục tìm cách bổ sung omega-3 vào chế độ ăn của trẻ.
Kẽm
Khoáng chất này cần thiết cho sự phát triển, chức năng miễn dịch, giúp chữa lành vết thương. Kẽm có trong thịt, sữa, cá, động vật có vỏ, các loại đậu, ngũ cốc tăng cường.
0-6 tháng: Ở độ tuổi này, sữa mẹ và sữa công thức cung cấp đủ lượng kẽm. Trẻ cần 2 mg kẽm mỗi ngày.
Trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ: Nếu con bạn có chế độ ăn uống đa dạng thường sẽ ăn đủ kẽm. Trẻ em 1-3 tuổi cần 7 mg kẽm mỗi ngày, 4-8 tuổi nên có 12 mg.
Canxi
Canxi giúp xây dựng xương, răng. Sữa bò, sữa chua, phô mai, hạnh nhân, bông cải xanh, cải xoăn, rau bina và sữa thực vật tăng cường đều là nguồn canxi tốt.
0-6 tháng: Trẻ sơ sinh ở độ tuổi này nhận được canxi cần thiết thông qua sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ: Ở độ tuổi 1-3, trẻ em cần 700 mg canxi mỗi ngày, con số này tăng lên 1.000 mg đối với các bé 4-8 tuổi.
Thanh thiếu niên: Canxi quan trọng ở độ tuổi này vì đây là thời điểm cơ thể trẻ dự trữ canxi để đảm bảo xương chắc khỏe trong nhiều thập kỷ tới. Với trẻ 9 tuổi, lượng canxi khuyến nghị 1.000-1.300 mg mỗi ngày.
Kali
Khoáng chất này quan trọng với sức khỏe thần kinh, cân bằng nhịp tim, có thể loại bỏ natri khỏi cơ thể. Kali có trong cam, bưởi, dưa, nho, rau bina, khoai tây, chuối, đậu lăng, trái cây sấy khô, bí mùa đông, khoai lang và sữa.
0-6 tháng: Sữa mẹ và sữa công thức phải chứa lượng kali cân bằng phù hợp với trẻ ở độ tuổi này. Trẻ cần 400 mg kali mỗi ngày.
Trẻ mới biết đi, trẻ nhỏ: Nhu cầu kali dao động từ 2.000 mg trở lên cho độ tuổi 1-3, còn 4-8 tuổi là 2.300 mg kali.
Lê Nguyễn (Theo Parents)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |