BS.CKI Lê Quang Hưng, Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tuần thai 12 là thời điểm chuyển giao ba tháng đầu và ba tháng giữa thai kỳ. Các biểu hiện ốm nghén như buồn nôn, nôn, mệt mỏi giảm dần ở tuần thai này khi nội tiết và hormone trong cơ thể bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện là sự thay đổi bình thường ở thai phụ hoặc cảnh báo những vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến bào thai.
Tăng khí hư
Khí hư khi mang thai là dịch âm đạo, màu trắng sữa, có mùi nhẹ, đôi khi không mùi. Nồng độ estrogen tăng lên trong thai kỳ khiến lưu lượng máu đến vùng chậu tăng, kích thích niêm mạc sản xuất nhiều dịch. Khí hư giúp loại bỏ tế bào chết khỏi âm đạo, ngăn ngừa nhiễm trùng, duy trì sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn trong âm đạo.
Trường hợp dịch có màu vàng, xanh lục, hồng hoặc nâu, kèm mùi tanh trong tuần thai 12 có thể là dấu hiệu viêm nhiễm, nhiễm trùng.
Xuất huyết
Chảy máu âm đạo nhẹ (đốm máu) trong khi mang thai có thể là hiện tượng bình thường. Cổ tử cung nhạy cảm hơn trong thai kỳ, nếu quan hệ tình dục có nguy cơ gây xuất huyết nhẹ. Tuy nhiên, chảy máu kèm theo chuột rút hoặc lượng máu nhiều có khả năng là dấu hiệu nhiễm trùng, vỡ ối sớm, sảy thai.
Đau bụng
Đôi khi thai phụ bị đau bụng hoặc chuột rút ở tuần 12. Triệu chứng này thường do táo bón, đầy hơi hoặc dây chằng quanh tử cung căng ra khi tử cung phát triển. Thai phụ nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước để ngăn ngừa táo bón. Nghỉ ngơi, chườm ấm bụng dưới giúp giảm đau. Vận động nhẹ nhàng góp phần tăng cường tuần hoàn máu.
Nếu đau bụng kéo dài, đau dữ dội, kèm chảy máu hoặc các triệu chứng khác có thể cảnh báo co thắt tử cung, viêm nhiễm hoặc các vấn đề sức khỏe.
Đau đầu
Những cơn đau đầu có thể bắt đầu tăng cường vào khoảng tuần 12 thai kỳ. Nguyên nhân bao gồm thay đổi nội tiết tố, lượng đường trong máu giảm, mất nước, thiếu ngủ, căng thẳng. Để giảm đau đầu, thai phụ nên ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, thư giãn bằng cách tập thở, thiền, đi dạo.
Trường hợp đau đầu tăng đột ngột, đau không giảm, đau nửa đầu hoặc kèm theo nôn mửa, nhìn mờ, tay chân sưng có thể là các triệu chứng của tăng huyết áp do thai kỳ, tiền sản giật... gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
Chóng mặt
Hormone progesterone tăng cao khiến mạch máu thai phụ giãn ra, mở rộng, giúp tăng lưu lượng máu đến thai nhi, nhưng làm chậm quá trình máu trong tĩnh mạch trở về. Điều này khiến huyết áp mẹ bầu thấp hơn bình thường, có thể giảm lưu lượng máu đến não, gây ra các cơn chóng mặt vào tuần thai 12, đôi khi sớm hơn. Thai phụ bị thiếu máu, lượng đường trong máu thấp, mất nước... cũng dễ bị chóng mặt.
Mẹ bầu nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, uống đủ nước, không thay đổi tư thế đột ngột, nghỉ ngơi, bổ sung sắt... góp phần cải thiện tình trạng chóng mặt. Người bị chóng mặt kéo dài và nghiêm trọng hoặc kèm một số biểu hiện như buồn nôn, nôn mửa, đau ngực, khó thở, mất thăng bằng... cần đến ngay bệnh viện.
Bác sĩ Hưng khuyến nghị thai phụ tuân thủ lịch khám thai định kỳ để phát hiện sớm bất thường, có biện pháp xử trí kịp thời, đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Thai phụ theo dõi sự thay đổi của cơ thể, khi có dấu hiệu bất thường cần đến bệnh viện khám.
Ngọc Châu
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |