Sau chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm, nếu phôi bám dính và làm tổ trong buồng tử cung thì khoảng ngày thứ 16-18, các cơ quan như não, dây sống và tim của thai nhi bắt đầu hình thành. Theo ThS.BS Huỳnh Kha, khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8 (IVF Tâm Anh Quận 8), phụ nữ sau khi siêu âm xác định có tim thai nên chú ý trong ba tháng đầu bởi đây là thời điểm quan trọng, tránh các tác động, tạo điều kiện cho thai nhi phát triển ổn định.
Tránh vận động mạnh, nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên (từ khi phôi làm tổ đến tuần 12 thai kỳ) bởi giai đoạn này thai nhi mới phát triển và chưa bám chặt vào thành tử cung của mẹ. Nếu thai phụ vận động mạnh, hoạt động thể lực cường độ cao hay mang vác vật nặng có thể tác động xấu đến thai nhi, tăng nguy cơ sảy thai. Thai phụ nên vận động nhẹ nhàng, không nên lên xuống cầu thang nhiều, nên có sự hỗ trợ từ người thân và gia đình.
Hạn chế quan hệ vợ chồng trong thời gian này, nhất là ngay sau giai đoạn chuyển phôi. Quan hệ tình dục trong ba tháng đầu thai kỳ tăng kích thích và co bóp tử cung, ảnh hưởng đến thai nhi. Vợ chồng nên trao đổi với bác sĩ về thời điểm nên quan hệ, tư thế thuận tiện nhất để đảm bảo an toàn cho sức khỏe thai phụ và thai nhi.
Vệ sinh đúng cách. Các trường hợp nhiễm khuẩn sau chuyển phôi thường không ảnh hưởng nhiều đến quá trình phôi làm tổ nhưng gây khó chịu, không tự tin cho mẹ bầu. Phụ nữ nên chú ý vệ sinh cá nhân đúng cách, tuyệt đối không thụt rửa bên trong âm đạo. Nên thay đổi đồ lót sau mỗi ba tháng, tắm rửa và giữ vệ sinh đảm bảo vùng kín khô thoáng.
Không tự ý sử dụng thuốc tây, nhất là trong giai đoạn ba tháng đầu thai kỳ bởi đây là giai đoạn thai nhi dần hình thành các cơ quan thần kinh quan trọng. Một số loại thuốc chứa các thành phần có thể gây dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Thai phụ sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, thai phụ nên có chế độ dinh dưỡng đủ chất, khoa học, đa dạng các nhóm thực phẩm giúp bổ sung các dưỡng chất thiết yếu đảm bảo cho sức khỏe của bản thân và thai nhi. Các nhóm thực phẩm nên ưu tiên gồm chất đạm từ thịt heo, gà, cá, tôm, trứng, sữa; tăng cường chất xơ và các vitamin từ rau củ tươi, quả mọng chứa nhiều vitamin C và khoáng chất. Có thể bổ sung các loại chất béo bão hòa có trong dầu thực vật như dầu ô liu, dầu đậu phộng, các loại hạt, ăn đủ tinh bột. Tránh thức ăn nhanh, chế biến nhiều dầu mỡ, nhiều chất phụ gia, quá cay, chua, mặn, nóng, lạnh.
Nước cung cấp khoáng chất, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Uống đủ nước tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Duy trì vận động bằng bài tập nhẹ nhàng phù hợp giúp thai phụ và thai nhi nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ thống miễn dịch, tăng cường sức đề kháng để chống lại nhiều bệnh tật.
Hạnh Thương
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |