Tuyến giáp là một tuyến có hình bướm (nặng khoảng 15-20 gram) nằm ở trước cổ, có nhiệm vụ tạo ra các hormone kiểm soát sự trao đổi chất. Viêm tuyến giáp (viêm giáp) là tình trạng bệnh lý bao gồm sự thấm nhuận tế bào viêm hoặc mô xơ tại tuyến giáp. Viêm giáp có thể xảy ra trên tuyến giáp bình thường hoặc trên bướu giáp có sẵn. Viêm ở tuyến giáp có thể khiến các hormone tuyến giáp được tiết ra quá nhiều hoặc quá ít, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh.
Theo BS.CKII Trần Đỗ Lan Phương, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tình trạng viêm có thể diễn ra qua ba giai đoạn:
Giai đoạn nhiễm độc tuyến giáp (cường giáp): nhiễm độc tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp bị viêm và tiết ra nhiều hormone quá mức.
Giai đoạn suy giáp (nhược giáp): sau một thời gian tiết ra quá nhiều hormone, tuyến giáp sẽ không có đủ hormone để giải phóng. Điều này dẫn đến thiếu hormone tuyến giáp hoặc suy giáp.
- Giai đoạn bình giáp (hồi phục): ngay sau giai đoạn nhiễm độc, tuyến giáp có thể tạm thời ổn định trước khi chuyển sang giai đoạn suy giáp hoặc có thể hoàn toàn trở lại bình thường khi tuyến giáp phục hồi sau tình trạng viêm.
Các loại viêm tuyến giáp
Dựa vào nguyên nhân, triệu chứng và thời gian kéo dài của bệnh mà viêm tuyến giáp được chia thành các loại sau:
Viêm tuyến giáp cấp tính: là tình trạng tuyến giáp bị viêm cấp tính do vi trùng sinh mủ. Đây là một loại viêm ở tuyến giáp tương đối hiếm gặp do vi khuẩn hoặc sinh vật truyền nhiễm gây ra.
Viêm tuyến giáp bán cấp.
Viêm tuyến giáp u hạt bán cấp tính: còn được gọi là viêm giáp de Quervain. Tình trạng này gây đau, có nhiều khả năng do virus gây ra, thường thứ phát sau khi bị quai bị, sởi, cúm.
Viêm tuyến giáp Lympho bào bán cấp tính: không gây đau, còn gọi là viêm tuyến giáp yên lặng. Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ nhưng phổ biến hơn ở nữ giới. Nếu tuyến giáp bị viêm không có triệu chứng đau xuất hiện ở phụ nữ sau sinh thì được gọi là viêm giáp sau sinh. Đối với tình trạng này, chức năng tuyến giáp của người bệnh thường ổn định trở lại sau 12-18 tháng kể từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bệnh dẫn đến biến chứng suy giáp, khiến người bệnh phải điều trị lâu dài.
Viêm tuyến giáp mạn tính.
Bệnh Hashimoto: hay viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh tự miễn do rối loạn hoạt động hệ miễn dịch gây ra. Ở căn bệnh này, hệ miễn dịch sản sinh ra kháng thể tấn công các tế bào tuyến giáp. Quá trình phá hủy diễn ra âm thầm, khiến đa số người bệnh không thể phát hiện được ở giai đoạn sớm. Đây là loại viêm ở tuyến giáp phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp 7-8 lần nam giới, thường gặp ở độ tuổi 30-50.
Viêm tuyến giáp Riedel: còn được gọi là viêm giáp mạn xơ hóa xâm lấn. Đây là dạng viêm cực kỳ rất hiếm gặp, chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ trung niên hoặc lớn tuổi. Trong trường hợp này, các tổ chức xơ dày đặc làm tuyến giáp bị xơ cứng, mất dần chức năng. Bệnh có thể đi kèm với tình trạng xơ hóa ở các khu vực khác trong cơ thể như xơ hóa trung thất, xơ hóa sau màng bụng, xơ hóa sau nhãn cầu...
Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp
BS.CKII Trần Đỗ Lan Phương cho biết, tình trạng viêm ở tuyến giáp xảy ra do có các yếu tố tấn công tế bào tuyến giáp, khiến cơ quan này bị tổn thương và gây viêm. Có nhiều tác nhân có thể tấn công tế bào tuyến giáp. Trong đó, tác nhân phổ biến nhất là kháng thể kháng tuyến giáp. Hiện nay, giới y học vẫn chưa rõ tại sao một số người lại hình thành các kháng thể này, trong khi những người khác thì không. Ngoài ra, bệnh còn có thể do bị tấn công bởi các yếu tố sau:
Nhiễm trùng (virus, vi khuẩn hoặc các vi sinh vật gây bệnh khác).
Tia bức xạ: Viêm có thể do các tia bức xạ bên ngoài gây ra (đến từ phương pháp xạ trị điều trị ung thư hoặc do iốt phóng xạ được sử dụng để điều trị cường giáp)
Viêm do thuốc: Một số loại thuốc như amiodarone, interferon, lithium, cytokine... có thể gây tác dụng phụ làm tuyến giáp bị tổn thương và gây viêm.
Anh Ngọc