Theo bác sĩ Huỳnh Văn Trung, Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm sưng, lâu dần tạo thành các vết loét gây triệu chứng. Những vết loét nhỏ trong giai đoạn đầu có thể tự lành mà không cần điều trị. Đối với các vết loét lớn gây nhiều triệu chứng, cần được thăm khám và điều trị để tránh biến chứng khó lường.
Hai giai đoạn của viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày gồm giai đoạn cấp tính và mãn tính. Ở giai đoạn cấp tính, các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, biểu hiện rõ nét và diễn tiến trong thời gian ngắn, có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, đa số người bệnh thường bỏ qua triệu chứng, chủ quan không đi khám, khiến bệnh tình trở nên phức tạp hơn.
Khi không được điều trị, bệnh sẽ khiến tình trạng viêm sưng kéo dài, sau một thời gian có thể chuyển sang dạng mãn tính. Ở giai đoạn này, các tổn thương lan rộng, bệnh khó điều trị hơn, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm teo, chuyển sản ruột, hẹp môn vị, xuất huyết, thủng, ung thư dạ dày, viêm nhiễm các cơ quan lân cận...
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến là do nhiễm vi khuẩn H.P và sử dụng thuốc chống viêm không steroid trong thời gian dài. Trong đó, nhiễm vi khuẩn H.P là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét. Cụ thể, sau khi xâm nhập vào dạ dày, vi khuẩn sẽ chui vào lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, tiết ra độc tố làm tổn thương niêm mạc, ức chế sản xuất yếu tố bảo vệ niêm mạc và hình thành các vết loét.
Việc sử dụng lâu dài thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài cũng khiến dạ dày bị tổn thương. Các loại thuốc này gây ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, làm giảm hiệu quả bảo vệ niêm mạc, khiến dạ dày dễ viêm loét. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể do các nguyên nhân ít gặp hơn gây ra như tăng tiết axit trong dạ dày hay hội chứng Zollinger-Ellison.
Bệnh thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Người thường xuyên hút thuốc, uống rượu hoặc thức uống có cồn; người hay căng thẳng, lo âu; ăn uống, sinh hoạt không điều độ cũng thuộc nhóm nguy cơ cao bị viêm loét dạ dày.
Triệu chứng của viêm loét dạ dày
Triệu chứng phổ biến là cảm giác nóng rát, cồn cào và đau ở vùng bụng trên rốn (đau vùng thượng vị). Cơn đau thường dữ dội hơn khi dạ dày trống, không chứa thức ăn. Người bệnh còn bị đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn, dễ cảm thấy no khi ăn hoặc không muốn ăn vì cơn đau, ợ hơi, ợ chua hoặc trào ngược axit, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, đi cầu phân đen hoặc máu, sụt cân...
Bác sĩ Trung khuyến cáo: "Viêm loét dạ dày ở giai đoạn cấp tính có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính thì rất khó điều trị khỏi hoàn toàn và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh". Theo đó, biến chứng thường gặp của bệnh gồm xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày...
Để chẩn đoán viêm loét dạ dày, bác sĩ thường hỏi người bệnh về các triệu chứng đang gặp phải và thời gian diễn ra. Bác sĩ cũng xem xét tiền sử bệnh cùng các loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng hoặc chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết, giúp xác định tình trạng viêm loét ở dạ dày, chẩn đoán chính xác nguyên nhân bệnh.
Hiện nội soi dạ dày là phương pháp hiệu quả và được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán bệnh. Thông qua nội soi, bác sĩ sẽ có cái nhìn trực quan về tình trạng bên trong dạ dày, đánh giá chính xác tình trạng bệnh, vị trí tổn thương để đưa ra hướng điều trị tốt nhất. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể can thiệp điều trị cầm máu các ổ loét, sinh thiết quanh vị trí tổn thương để xác định tình trạng nhiễm khuẩn H.P hoặc các vấn đề nghi ngờ khác. Tuy nhiên, quá trình dùng chung máy nội soi có thể làm lây lan vi khuẩn gây bệnh dạ dày. Do đó, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín, có quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ, rõ ràng để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm máu nhằm tìm kháng thể kháng H.P; xét nghiệm phân; xét nghiệm hơi thở để xác định vi khuẩn H.P có tồn tại trong cơ thể người bệnh hay không.
Điều trị viêm loét dạ dày
Theo bác sĩ Huỳnh Văn Trung, nếu tình trạng viêm loét do nhiễm khuẩn H.P gây ra, bác sĩ có thể chỉ định điều trị theo phác đồ diệt trừ vi khuẩn. Người bệnh sẽ được yêu cầu ngừng sử dụng tất cả các thuốc NSAID (nếu được) để đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật để điều trị viêm loét dạ dày phức tạp, khi điều trị bằng thuốc không đem lại hiệu quả tích cực, vết loét không lành lại hoặc thường xuyên tái phát ở vị trí cũ; hoặc khi viêm loét đã gây chảy máu, thủng dạ dày, hẹp môn vị ngăn cản thức ăn đi xuống ruột non...
Phòng tránh viêm loét dạ dày
Bác sĩ Trung cho biết, việc xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh. Những người có nguy cơ cao bị loét dạ dày nên bổ sung trái cây và rau quả, chất xơ, Probiotics (lợi khuẩn), vitamin C, kẽm, Selenium (Selen) trong bữa ăn hàng ngày.
Ngoài chế độ ăn uống, người bệnh cũng cần bỏ hút thuốc lá, tránh rượu và caffein; hạn chế sử dụng Ibuprofen, aspirin và naproxen (NSAID) hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chuyển sang sử dụng các loại thuốc khác có tác dụng tương tự. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Thực hiện ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn hàng quán và học cách kiểm soát căng thẳng...
Hà Thanh