Trẻ em không có chế độ ăn uống đủ thực phẩm tươi và nguyên chất dễ gặp rủi ro về sức khỏe lâu dài. Sự thiếu hụt dinh dưỡng từ nhỏ có thể dẫn đến các vấn đề như rối loạn da, tiêu hóa, xương bị khiếm khuyết; thậm chí, có thể ảnh hưởng đến phát triển tinh thần và nhận thức. Dưới đây là những dấu hiệu thiếu hụt vitamin ở trẻ.
Mệt mỏi và suy giảm nhận thức
Trẻ em bị thiếu hụt hemoglobin (huyết sắc tố) có thể biểu hiện mệt mỏi và chức năng nhận thức không tốt, rụng tóc, móng tay dễ gãy hoặc xanh xao. Hemoglobin, là một loại protein cần thiết để mang oxy đi khắp cơ thể, được tổng hợp từ sắt. Nếu cơ thể trẻ không đủ chất sắt thì cơ bắp cũng không thể sử dụng oxy; từ đó dẫn đến tình trạng bị thiếu máu, mệt mỏi và không thể suy nghĩ rõ ràng.
Tăng trưởng kém và đau xương
Thiếu vitamin D có thể góp phần làm chậm quá trình tăng trưởng, đau xương, chuột rút cơ, nhuyễn xương (làm mềm xương) và biến dạng xương. Để cơ thể có thể hấp thụ canxi cho sự phát triển xương cần phải có đủ vitamin D. Song song đó, vitamin D còn giúp hỗ trợ chức năng hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Ăn kém ngon và tăng nhiễm trùng
Nếu trẻ liên tục bị cảm lạnh, cúm hoặc thường xuyên chán ăn thì nguyên nhân có thể do thiếu kẽm. Thiếu kẽm cũng có thể làm trẻ tăng trưởng chậm, rụng tóc và chậm lành vết thương trong những trường hợp nghiêm trọng hơn.
Trầm cảm và hay lo lắng
Các chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe não bộ và nhận thức. Trẻ khi thiếu hụt bất kỳ chất dinh dưỡng nào đều có thể trở nên hay quấy khóc, cáu kỉnh hoặc mắc các chứng lo âu, trầm cảm mạn tính. Do đó, cha mẹ nên xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ protein vì chúng có chứa các axit amin giúp não hoạt động bình thường.
Da khô
Trẻ bị khô da hoặc tóc là dấu hiệu cho thấy có thể bị thiếu vitamin tan trong chất béo như Vitamin A, D, E và K2. Vì vậy, trẻ cần được cung cấp các vitamin này trong chế độ ăn uống, có thể qua các loại rau lá xanh, bắp cải, sữa.
Chậm nói
Thông thường, các vấn đề về chậm nói có liên quan đến di truyền nhưng tình trạng này cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ bị thiếu vitamin B12. Nếu trẻ có dấu hiệu chậm nói quá lâu, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị. Một số thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 gồm: sữa, trứng, cá, thịt gà và nội tạng động vật.
Huyền My (Theo Times of India)