Một số người thỉnh thoảng có thể cảm thấy khó chịu hoặc khó tiêu sau khi ăn hoặc uống. Tình trạng này thường không đáng lo ngại và có thể cải thiện triệu chứng bằng các biện pháp tại nhà. Các triệu chứng phổ biến của đau bụng và khó tiêu là ợ chua, trào ngược axit, buồn nôn, đầy hơi, ợ hơi... Dưới đây là một số cách khắc phục chứng đau bụng, khó tiêu tại nhà.
Uống nước
Cơ thể cần nước để tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm và đồ uống. Mất nước khiến quá trình tiêu hóa trở nên khó khăn và kém hiệu quả hơn, làm tăng khả năng đau dạ dày.
Khoảng 20% nước đến từ thực phẩm, phần còn lại là từ đồ uống. Người lớn nên uống khoảng 2 lít nước trở lên mỗi ngày. Trẻ nhỏ cần ít nước hơn một chút so với người lớn. Với người có vấn đề về tiêu hóa, cung cấp đủ nước rất cần thiết. Nôn mửa và tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước rất nhanh nên những người có các triệu chứng này nên duy trì uống nước.
Tránh nằm
Khi nằm ngang, axit trong dạ dày dễ đi ngược lại và di chuyển lên trên, gây ra chứng ợ chua. Những người bị đau bụng nên tránh nằm hoặc đi ngủ trong ít nhất vài giờ cho đến khi cơn đau qua đi. Trường hợp phải nằm nên kê đầu trên gối, lý tưởng là ở góc 30 độ.
Uống trà gừng
Gừng là phương thuốc tự nhiên phổ biến cải thiện chứng đau bụng và khó tiêu. Gừng chứa các chất gingerols và shogaols giúp đẩy nhanh các cơn co thắt dạ dày, thức ăn gây khó tiêu được di chuyển qua dạ dày nhanh hơn. Các chất hóa học trong gừng giúp giảm buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Người bị đau bụng có thể thử thêm gừng vào thức ăn hoặc uống trà gừng.
Tắm nước ấm, dùng túi chườm nóng
Hơi nóng giúp thư giãn các cơ căng thẳng và giảm chứng khó tiêu. Tắm nước ấm có thể làm dịu các triệu chứng đau bụng. Bạn cũng có thể dùng túi chườm nóng, miếng đệm chườm nóng lên bụng trong 20 phút hoặc cho đến khi nguội.
Chế độ ăn uống BRAT
BRAT là viết tắt của bananas (chuối), rice (gạo), applesauce (sốt táo) và toast (bánh mì), có lợi cho người bị tiêu chảy. Những thực phẩm này chứa nhiều ttinh bột giúp kết dính chúng với nhau và phân rắn chắc hơn. Điều này có thể làm giảm số lượng phân và giảm tiêu chảy.
Những thực phẩm này thường không chứa các chất gây kích ứng dạ dày, cổ họng hoặc ruột. Do đó, chế độ ăn này có thể làm dịu sự kích ứng. Thực phẩm trong chế độ ăn BRAT có nhiều chất dinh dưỡng như kali, magiê và có thể thay thế chất bị mất do tiêu chảy, nôn mửa.
Tránh hút thuốc, uống rượu
Hút thuốc có thể gây kích ứng cổ họng, làm tăng khả năng bị đau dạ dày. Nếu bạn bị nôn, hút thuốc sẽ gây kích ứng thêm các mô mềm đã bị đau do axit trong dạ dày. Rượu chứa nhiều chất có hại, khó tiêu hóa, gây tổn thương cho gan và niêm mạc dạ dày. Người bị đau dạ dày nên tránh hút thuốc và uống rượu cho đến khi thấy tình trạng cải thiện.
Tránh thức ăn khó tiêu hóa
Một số thực phẩm khó tiêu hóa làm tăng nguy cơ bị đau dạ dày. Khi bị đau bụng, bạn nên tránh ăn các loại thức ăn chiên, chứa nhiều béo, mặn hoặc có nhiều chất bảo quản.
Bạc hà
Ngoài làm thơm hơi thở, tinh dầu bạc hà góp phần ngăn ngừa nôn mửa và tiêu chảy, giảm co thắt cơ trong ruột, giảm đau. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra bạc hà là phương pháp truyền thống hỗ trợ giảm chứng khó tiêu, đầy hơi và tiêu chảy ở Iran, Pakistan, Ấn Độ.
Nước chanh
Một số nghiên cứu cho thấy rằng, hỗn hợp nước cốt chanh với baking soda có thể làm dịu một loạt các vấn đề về tiêu hóa.
Hỗn hợp này tạo ra axit cacbonic góp phần giảm khí, chứng khó tiêu; cải thiện sự bài tiết của gan và tính di động của ruột. Axit và các chất dinh dưỡng khác trong nước chanh có thể giúp tiêu hóa và hấp thụ chất béo và rượu, đồng thời trung hòa axit mật, giảm nồng độ axit trong dạ dày. Bạn có thể pha một muỗng cà phê nước cốt chanh với một muỗng cà phê baking soda với 300 ml nước.
Quế
Quế chứa một số chất chống oxy hóa dễ tiêu hóa và giảm nguy cơ bị kích ứng, tổn thương ở đường tiêu hóa. Các chất khác trong quế giảm đầy hơi, chướng bụng, chuột rút và ợ hơi. Chúng trung hòa nồng độ axit trong dạ dày để giảm chứng ợ nóng và khó tiêu.
Những người bị đau bụng có thể thêm một muỗng cà phê bột quế vào bữa ăn. Pha quế với nước sôi để uống, thực hiện hai hoặc ba lần mỗi ngày có thể giúp bạn giảm chứng khó tiêu.
Đinh hương
Đinh hương có chứa các chất để làm giảm khí trong dạ dày và tăng tiết dịch vị. Điều này có thể làm tăng tốc độ tiêu hóa chậm, giảm áp lực, chuột rút, cải thiện tình trạng buồn nôn và nôn.
Người bị đau bụng có thể thử trộn một hoặc hai muỗng cà phê đinh hương xay hoặc bột với một muỗng cà phê mật ong mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ. Đối với chứng buồn nôn và ợ chua, bạn có thể cho đinh hương vào 300 ml nước sôi để uống từ một hoặc hai lần mỗi ngày.
Thì là
Thì là có chứa các thành phần hoạt tính giúp giảm chứng khó tiêu và axit dạ dày dư thừa, giảm viêm ruột... Người bị đau dạ dày có thể cho một hoặc hai thìa cà phê thìa là xay hoặc bột thì là vào bữa ăn. Ngoài ra, bạn có thể thêm một vài thìa cà phê hạt thì vào nước sôi để pha trà.
Nước ép lô hội
Các chất trong nước ép lô hội hỗ trợ giảm đau bằng cách giảm axit dạ dày dư thừa, góp phần loại bỏ độc tố, thúc đẩy sự cân bằng của vi khuẩn tiêu hóa, giảm viêm...
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người uống 10 ml (ml) nước ép lô hội hàng ngày trong 4 tuần sẽ giảm các triệu chứng sau của bệnh trào ngược đường tiêu hóa (GERD) như ợ nóng, đầy hơi, ợ hơi, buồn nôn, ói mửa...
Húng quế
Giảm khí, tăng cảm giác thèm ăn, giảm chuột rút và cải thiện tiêu hóa tổng thể là một số tác dụng của húng quế. Loại cây này cũng chứa eugenol giảm lượng axit trong dạ dày. Húng quế còn chứa hàm lượng cao axit linoleic, có đặc tính chống viêm.
Những người bị đau bụng có thể thử thêm một hoặc hai thìa cà phê lá húng quế khô hoặc một vài lá húng quế tươi vào bữa ăn cho đến khi các triệu chứng giảm bớt. Để có kết quả nhanh hơn, trộn nửa thìa húng quế khô hoặc một vài lá tươi với nước đun sôi để pha trà là gợi ý cho bạn.
Cam thảo
Rễ cam thảo có chứa các chất giúp cải thiện viêm dạ dày, viêm niêm mạc dạ dày cũng như chứng viêm liên quan đến loét dạ dày tá tràng.
Bạn uống trà rễ cam thảo nhiều lần một ngày cho đến khi các triệu chứng của họ được cải thiện. Trà rễ cam thảo được bán rộng rãi trên mạng, nhưng bạn cũng có thể tự làm tại nhà bằng cách pha một hoặc hai muỗng cà phê bột rễ cam thảo với nước sôi.
Kim Uyên (Theo Medicaltoday)