Trong thời kỳ mãn kinh, hệ trục nội tiết - sinh dục ở phụ nữ gồm vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng giảm hoạt động, dẫn đến mất cân bằng bộ ba nội tiết tố nữ quan trọng là estrogen, progesterone và testosterone. Theo BS.CKI Nguyễn Hoàng Tùng, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ngoài mất chức năng sinh sản, phụ nữ dễ mắc những bệnh phụ khoa dưới đây.
Viêm âm đạo là một trong những rối loạn mãn kinh phổ biến nhất. Thiếu hụt nội tiết tố estrogen và suy giảm miễn dịch theo tuổi tác khiến niêm mạc âm hộ và âm đạo mỏng hơn và giảm độ ẩm, dễ vỡ, các nếp nhăn âm đạo dần mất đi. Môi trường âm đạo trở nên trung tính, thiếu chất dịch và axit lactic có tác dụng bao bọc, diệt vi khuẩn. Điều này khiến âm đạo khô, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, tạp trùng dễ dàng tấn công, gây viêm nhiễm.
Nếu viêm do vi khuẩn, khí hư thường có màu trắng xám, mùi hôi tanh. Trường hợp nhiễm nấm Candida, khí hư thường màu trắng, keo dính hoặc dạng lỏng màu trắng mủ, lợn cợn thành từng mảng. Khí hư màu xanh vàng, có bọt khí li ti và mùi hôi thường là viêm âm đạo do trùng roi Trichomonas.
Tình trạng viêm không điều trị kịp thời, đúng cách có thể tiến triển sang giai đoạn mạn tính, gây đau rát khi tiểu tiện hoặc quan hệ tình dục.
Viêm phần phụ mạn tính xảy ra do chức năng của các bộ phận trong cơ quan sinh dục suy yếu sau tuổi mãn kinh. Nếu viêm nhiễm âm đạo không được điều trị triệt để, vi sinh vật từ âm đạo và cổ tử cung lan lên tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng và viêm ra xung quanh. Bệnh gây đau ở hai hố chậu, cơn đau âm ỉ và tăng nhiều khi đi lại.
Sa tử cung do lượng hormone nữ estrogen giảm đáng kể khiến các cơ và dây chằng sàn chậu mất tính đàn hồi và giảm độ bền, gây giãn quá mức, yếu đi, không thể nâng đỡ tử cung, tử cung trượt xuống âm đạo. Ở mức độ nặng, tử cung có thể nhô ra khỏi âm đạo. Phụ nữ mãn kinh có tiền sử phẫu thuật tử cung, lao động nặng, bất thường khoang tử cung bẩm sinh như tử cung hai sừng... có nguy cơ cao mắc bệnh.
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của tế bào biểu mô lát (tế bào biểu mô vảy) hoặc các tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung phát triển bất thường, dẫn đến hình thành khối u trong cổ tử cung. Những khối u này tăng sinh mất kiểm soát, xâm lấn và tác động đến các cơ quan xung quanh như phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng.
Nguyên nhân gây bệnh hầu hết là do nhiễm Human Papilloma Virus (HPV). Bệnh thường phát triển âm ỉ trong một thời gian dài, có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn lan rộng. Do các triệu chứng nhận biết bệnh ở giai đoạn sớm không rõ ràng.
Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể chảy máu bất thường âm đạo vào giữa chu kỳ kinh, thời gian dài hơn so với chu kỳ bình thường, ra máu trong hoặc sau khi quan hệ. Khi ung thư tiến triển, người bệnh có thể đau vùng chậu; tiểu tiện bất thường; sưng chân do tắc tĩnh mạch hoặc bạch huyết; sụt cân không rõ nguyên nhân.
Ung thư nội mạc tử cung xuất hiện do tăng sinh quá mức của các tế bào nội mạc tử cung, khiến lớp nội mạc tử cung dày lên, lan tỏa hoặc khu trú tạo thành khối u bên trong lòng tử cung. Dấu hiệu điển hình của bệnh là chảy máu âm đạo dù đã mãn kinh. Bệnh thường gặp ở phụ nữ thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, tiền sử vô sinh, rối loạn kinh nguyệt.
Bác sĩ Tùng khuyến cáo phụ nữ tuổi mãn kinh phòng ngừa các bệnh phụ khoa bằng cách dùng nước ấm để rửa vùng kín, lau bằng khăn mềm ít nhất 2-3 lần mỗi ngày để loại bỏ mồ hôi tích tụ và mùi khó chịu. Không nên sử dụng các dụng cụ thụt, xịt rửa, xà phòng để vệ sinh bên trong âm đạo. Thay thế đồ lót định kỳ khoảng 2-3 tháng một lần. Nên mặc quần được làm từ chất liệu thấm hút tốt như cotton. Khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng. Đồng thời, phụ nữ mãn kinh cần thực hiện các xét nghiệm sàng lọc, tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
Xét nghiệm HPV 5 năm một lần nếu kết quả bình thường, có thể đợi 5 năm để kiểm tra sàng lọc ung thư cổ tử cung cho lần tiếp theo. Kiểm tra HPV kết hợp với làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (PAP) 5 năm một lần. Phụ nữ xét nghiệm PAP 3 năm một lần.
Phụ nữ nên vận động thể dục thường xuyên, phù hợp thể trạng. Chế độ ăn ưu tiên nhiều rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế các món cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, uống khoảng hai lít nước mỗi ngày. Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia. Trường hợp cần thiết có thể tham khảo bác sĩ để bổ sung nội tiết tố nữ estrogen qua thực phẩm chức năng.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |