Ở mỗi bên của khung chậu đều có một buồng trứng. Cơn đau buồng trứng thường xuất hiện ở dưới rốn, vùng bụng dưới, vùng chậu hoặc đôi khi là cảm giác đau ở xương chậu hoặc lưng dưới. Bên cạnh việc liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc quá trình trứng rụng, cơn đau có thể báo hiệu nhiều rủi ro sức khỏe.
Bệnh viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu (PID) là bệnh lý nhiễm trùng cơ quan sinh sản, gây ra bởi vi khuẩn bệnh lậu, chlamydia hoặc nhiễm trùng sau khi sinh con, đặt vòng, sảy thai, phá thai gây ra. Theo Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), bệnh thường phổ biến ở những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cơ quan sinh sản, biến chứng nghiêm trọng như vô sinh và tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh hoặc tiêm thuốc. Bệnh nhân thực hiện phẫu thuật nếu tình trạng nặng hơn. Ngoài ra, đối tác tình dục cũng phải được điều trị, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tái phát.
Xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng xảy ra khi một buồng trứng bị xoắn lại xung quanh các dây chằng ở tử cung. Đây là bệnh lý thường gặp trong cấp cứu phụ khoa, rất nguy hiểm vì cơ quan này có thể chết vì mất nguồn cung cấp máu.
Theo các chuyên gia y tế, những người xuất hiện u nang trên buồng trứng dễ mắc phải tình trạng xoắn buồng trứng vì u nang làm cho buồng trứng nặng hoặc lớn hơn bình thường. Ngoài ra, thai phụ hoặc những trường hợp đang điều trị hiếm muộn cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến xoắn buồng trứng.
Xoắn buồng trứng thường được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ tháo xoắn buồng trứng bằng phương pháp nội soi. Nếu có u nang buồng trứng, chuyên gia sẽ cắt bỏ, chủ yếu bằng phương pháp nội soi.
Lạc nội mạc tử cung
Một trong những bệnh lý có biểu hiện cơn đau buồng trứng là lạc nội mạc tử cung. Bệnh xảy ra khi lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển ra ngoài, thường ở các cơ quan, bộ phận trong khoang chậu hoặc ổ bụng. Lạc nội mạc tử cung cũng có xu hướng phổ biến hơn ở những phụ nữ thường xuyên ăn chất béo chuyển hóa.
Tùy theo giai đoạn phát hiện bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, lạc nội mạc tử cung thường không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, chị em có thể kiểm soát bằng thuốc giảm đau, thuốc nội tiết tố hoặc phẫu thuật.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng rất phổ biến và ít dấu hiệu nhận biết. Tuy nhiên, một u nang lớn hoặc bị vỡ có thể gây ra nhiều triệu chứng gồm: cảm giác đau đớn, đầy hơi, xáo trộn chu kỳ kinh nguyệt, đi tiểu nhiều và cảm thấy no,...
Nếu u nang buồng trứng còn nhỏ, bác sĩ thường khuyến nghị người bệnh nên theo dõi. Trong một số trường hợp, chuyên gia cũng có thể kê đơn thuốc tránh thai để giảm khả năng hình thành u nang. Nếu u nang rất lớn, phẫu thuật cắt bỏ u nang là điều cần thiết.
Hội chứng sót buồng trứng
Hội chứng sót buồng trứng (ORS) là một tình trạng bất thường xảy ra khi mô buồng trứng bị sót lại sau khi phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Nếu mô buồng trứng nào vẫn còn trong khung chậu thì nó có thể tiếp tục đáp ứng, sản xuất hormone. Điều này có thể gây ra cơn đau liên tục. Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng còn sót lại cũng có thể bị đau khi quan hệ tình dục, khi đi tiểu hoặc đi nặng.
Hội chứng này có thể cần điều trị bằng thuốc hoặc xạ trị để phá hủy các mô còn sót lại. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng liệu pháp hormone để ức chế quá trình rụng trứng và giảm các triệu chứng.
Theo khuyến nghị từ Medical News Today, phái nữ nên đến bệnh viện ngay nếu nhận thấy cơn đau bất thường xuất hiện ở vùng bụng dưới hoặc xương chậu. Nếu chẩn đoán và điều trị kịp thời, chị em có thể ngăn ngừa những biến chứng không đáng có, tránh nguy cơ vô sinh.
Huyền My (Theo Medical News Today, Healthline)