Ông Nguyễn Văn Thành mệt khi gắng sức, thỉnh thoảng tức ngực kéo dài 3-5 phút, không đi khám vì các triệu chứng tự hết khi nghỉ ngơi. Cuối tháng 10, ông đau ngực dữ dội, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu. Kết quả đo điện tim bệnh nhân cho thấy thiếu máu cơ tim rất nặng, chức năng co bóp thất trái chỉ còn 20%, suy tim cấp, phù phổi cấp.
Ngày 15/11, ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp Mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch, cho biết bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp gây suy tim độ 3. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị sốc tim do suy tim cấp độ 4, khả năng tử vong lên đến 70-80%.
Bệnh nhân đến bệnh viện trong vòng ba giờ từ lúc khởi phát triệu chứng nặng. 20 phút sau, bác sĩ chụp mạch vành. Tuy nhiên, bệnh nhân khó thở khi nằm thẳng chụp mạch vành, các bác sĩ kết hợp hồi sức nội khoa cho bệnh nhân trong lúc chụp để đảm bảo an toàn.
Kết quả ghi nhận động mạch vành phải, trái hẹp 99%. "Toàn bộ ba nhánh mạch máu chính nuôi tim bị chặn gần hết khiến tim gần như không có máu nuôi", bác sĩ Minh nói.
Khi xác định mạch vành trái là nguyên nhân chính gây tổn thương cơ tim cấp, bác sĩ ưu tiên can thiệp tái thông nhánh này trước. Vì mạch vành trái hẹp ngay "ngã ba đường", nếu đặt stent vào nhánh động mạch liên thất trước khiến đè ép gây tắc động mạch mũ và ngược lại. Bệnh nhân có thể ngưng tim bất cứ lúc nào.
Ê kíp quyết định dùng kỹ thuật Crush Stent, đặt stent nhánh bên trước tại chỗ phân chia rồi đặt stent nhánh chính và cuối cùng nong bóng lớn tối ưu để đảm bảo stent nở tốt, áp sát thành mạch, phòng ngừa tái hẹp sau đặt stent. Đây là kỹ thuật tối ưu để can thiệp trường hợp hẹp thân chung phức tạp, có nguy cơ rối loạn huyết động học, ngưng tim trong lúc thực hiện thủ thuật.
Trong lúc can thiệp, huyết áp bệnh nhân có xu hướng tụt. Bác sĩ nhanh chóng đưa dụng cụ ra khỏi mạch vành để tái tưới máu mạch vành, đợi vài giây khi tình hình ổn mới tiến hành tiếp. Trong vòng 30 phút, ê kíp tái thông thành công dòng máu qua thân chung động mạch vành trái. Sau can thiệp động mạch vành trái, bệnh nhân được điều trị nội khoa.
Sau một tuần điều trị, bệnh nhân xuất hiện rối loạn nhịp thất nguy hiểm do thiếu máu cơ tim cấp chưa được giải quyết triệt để. BS.CKI Huỳnh Phúc Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, cho biết nếu không nhanh chóng tái thông nhánh mạch vành phải, bệnh nhân có nguy cơ ngưng tim do các rối loạn nhịp nhanh thất rất cao.
Bác sĩ thực hiện can thiệp lần hai nhằm tái thông động mạch vành phải, hoàn tất quá trình nong ba nhánh mạch vành và khôi phục hoàn toàn tuần hoàn máu nuôi cơ tim.
Ông Thành ổn định, đáp ứng tốt với điều trị, tim cải thiện với phân suất tống máu thất trái khoảng 45%, nhịp tim đều và không còn các rối loạn nhịp thất. Ông xuất viện khỏe mạnh sau gần nửa tháng điều trị.
Bác sĩ Nguyên cho biết nhồi máu cơ tim cấp có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhất là người có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh xơ vữa mạch máu như hút thuốc lá nhiều, chế độ ăn mặn, nhiều chất béo bão hòa, thường xuyên căng thẳng, ít vận động, mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol, thừa cân, béo phì..., có tiền sử gia đình nhồi máu cơ tim.
Như anh Thành, gia đình từng có người nhồi máu cơ tim và đột tử, hút thuốc lá hơn 20 năm nay, chế độ ăn mặn, nhiều thịt...
Các biến chứng của nhồi máu cơ tim cấp phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh mạch vành, thời gian phát hiện và xử lý. Nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời có thể xảy ra các biến chứng trước mắt như suy tim cấp, rối loạn nhịp nguy kịch, vỡ tim và lâu dài gồm suy tim do bệnh cơ tim, huyết khối trong buồng tim, phình vách thất...
Nhận biết triệu chứng cảnh báo đóng vai trò quan trọng, giúp người bệnh được điều trị sớm, ngăn ngừa nhồi máu cơ tim cấp. Bác sĩ Nguyên khuyến cáo người có dấu hiệu đau nặng ngực lan đến vai, cổ, hàm hoặc lưng, khó thở, buồn nôn, khó tiêu, đổ mồ hôi lạnh, mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt đột ngột nên đến bệnh viện khám.
Thu Hà
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |