Theo Hiệp hội Alzheimer Mỹ, các dấu hiệu cảnh báo của chứng sa sút trí tuệ bao gồm nhầm lẫn, khó nói, khả năng phán đoán kém. Song, nghiên cứu "Mối liên hệ giữa nhịp tim khi nghỉ ngơi với chứng suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi" đăng trên tạp chí Alzheimer và sa sút trí tuệ vào tháng 12/2021, cho thấy ngoài những dấu hiệu liên quan đến tâm thần, nhịp tim khi nghỉ ngơi cũng có thể là một khía cạnh cần được xem xét liên quan đến chứng Alzheimer.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 2.000 người từ 60 tuổi trở lên sống ở Thụy Điển và theo dõi các dấu hiệu sức khỏe khác nhau khoảng 3 hoặc 6 năm một lần, trong 2 giai đoạn từ 2001-2004 và 2013-2016. Người tham gia nghiên cứu được theo dõi số lần tim đập mỗi phút khi hoàn toàn nghỉ ngơi. Theo quy định, tốc độ nhịp tim đập từ 60-80 lần mỗi phút được xem là bình thường. Đối với những người trên 65 tuổi, nếu số lần tim đập mỗi phút trên 80 được xếp vào nhóm có vấn đề sức khỏe.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người tham gia có nhịp tim trên trung bình và nhịp tim cao có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn 55% so với những người có nhịp tim khi nghỉ ngơi ở mức từ 60-69 lần mỗi phút.
Các nhà nghiên cứu phân tích, yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng đến chứng sa sút trí tuệ là huyết áp cao. Các vấn đề trong hệ thống mạch máu có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho não, góp phần vào sự phát triển của chứng sa sút trí tuệ. Trong khi nhịp tim cao lại gây nên các vấn đề tim mạch, có liên quan đến hệ thống mạch máu.
Các chuyên gia cho rằng, những người có nhịp tim lúc nghỉ ngơi cao không chỉ có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn mà còn đối diện nguy cơ mắc bệnh tim. Do đó, các nhà nghiên cứu đề xuất trong quá trình kiểm tra chứng sa sút trí tuệ, nhân viên y tế nên xem xét đến nhịp tim khi nghỉ ngơi của mỗi người.
Tiến sĩ Yume Imahori, Khoa Sinh học thần kinh tại Viện Karolinska ở Thụy Điển, cho rằng, việc phát hiện người có nguy cơ sa sút trí tuệ và có phương án can thiệp sớm sẽ tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
Theo bác sĩ Ian Neel, Khoa lâm sàng tại Đại học California ở Mỹ, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe của tim và sức khỏe của não. Hiệp hội Alzheimer Mỹ đã thừa nhận khái niệm này thông qua khuyến nghị về hoạt động thể chất kết hợp với các bài tập tim mạch nhằm nỗ lực giảm nguy cơ suy giảm nhận thức.
Tiến sĩ Neel lưu ý, nhịp tim cao có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tụy nhưng nó không có nghĩa là nhịp tim thấp sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Mọi người nên duy trì sức khỏe tim mạch tốt, ổn định vì sức khỏe tim mạch có liên quan nhiều vấn đề về nhận thức.
Với người lớn tuổi, để nhịp tim ổn định, các chuyên gia khuyên nên tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn mỗi ngày. Tập thể dục giúp cải thiện nhịp tim và hệ thống tim mạch tổng thể, đồng thời giải quyết sự suy giảm khối lượng cơ, cân bằng, tính linh hoạt, sức mạnh và tốc độ liên quan đến tuổi tác. Lưu ý khi bắt đầu một bài tập thể dục, người lớn tuổi nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xem môn nào phù hợp.
Anh Chi
(Theo VeryWellHealth, MedicalNewsToday)