Ngày 19/6, BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khoảng 85% bệnh nhi điều trị nội trú ở viện do mắc bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản phổi, cảm lạnh, cảm cúm, tăng 50% so với một tháng trước. Nguyên nhân tăng đột biến là do thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh sinh trưởng, phát triển.
Bác sĩ Trang lý giải thời tiết miền Nam nắng mưa thất thường, thuận lợi để vi sinh vật gây bệnh hô hấp phát triển, từ đó làm tăng tỷ lệ mắc bệnh. Trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh hoặc suy yếu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Độ tuổi trẻ nhập viện từ 6 tháng đến 5 tuổi, triệu chứng điển hình như ho, khò khè, sốt cao, chảy mũi, đau họng. Một số trường hợp nặng trẻ có biểu hiện li bì, thở dốc, khó thở.
Như bé Minh, 20 tháng tuổi, ho, sốt, khò khè, đến ngày thứ ba có biểu hiện khó thở, đi khám phát hiện viêm phổi. Bệnh nhi phải nhập viện, tiêm kháng sinh, phun khí dung, làm giãn phế quản để dễ thở hơn.
Nằm phòng bên cạnh là bé Ánh ba tuổi, lên cơn hen cấp mức độ nặng, gây khó thở nhiều, thở rít, được người nhà đưa đến viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bé lên cơn suyễn nặng, suy hô hấp. Bé được thở oxy, sử dụng thuốc giãn phế quản để cắt cơn hen. Sau ba ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi diễn tiến tốt, tiếp tục sử dụng thuốc kháng sinh.
Chị Hà, mẹ của bé Ánh, cho biết bé bị hen phế quản từ khi hai tuổi. Khi thay đổi thời tiết, bé ho rất nhiều, nôn ói, khó thở, từng phải nhập viện, nhưng lần này nặng hơn.
Hen suyễn là bệnh nguy hiểm, chăm sóc và điều trị triệu chứng của bệnh rất quan trọng. Theo bác sĩ Trang, số lượng bệnh nhi nhập viện vì suyễn vào thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường tăng gấp ba lần so với khi nắng nóng. Nhiều trường hợp diễn tiến nặng do trẻ không được khám bệnh kịp thời, sử dụng toa thuốc cũ.
Các bệnh đường hô hấp tuy có triệu chứng giống, nhưng phương pháp điều trị khác nhau. BS.CKI Nguyễn Thị Kim Anh, khoa Nhi, cho biết một số trường hợp bệnh nhi phải chụp phim kiểm tra xét nghiệm máu, cấy đàm xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để dùng thuốc phù hợp.
Biểu hiện các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ rất đa dạng. Mới khởi phát trẻ có thể có dấu hiệu mệt mỏi, xanh xao, quấy khóc, bỏ ăn hoặc bỏ bú. Sau đó, bé có thể ho, sốt, chảy mũi, khò khè. Nếu không được điều trị, trẻ có thể có các triệu chứng cảnh báo bệnh nặng như nhịp thở nhanh, thở rít, mũi phập phồng, ngực lõm, tím tái, sốt cao, co giật, bỏ ăn, mất nước.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên cho bé sử dụng toa thuốc cũ, dù trẻ có biểu hiện bệnh tương tự. Tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến điều trị không đúng, ngộ độc thuốc, tăng nguy cơ tử vong.
Để phòng bệnh, phụ huynh cần tránh cho trẻ bị ướt mưa, giữ ấm khi trời lạnh, làm ấm các món ăn như cháo, canh, cơm, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Phụ huynh tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng trước khi ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, khi ho và hắt hơi.
Mùa mưa cần giữ nhà cửa khô ráo, thoáng mát, trẻ ngủ mùng để phòng muỗi và côn trùng đốt. Trẻ nên đi khám khi có biểu hiện ho kéo dài, khò khè, sốt, li bì, nôn ói, bú hoặc ăn kém.
Tuệ Diễm
20h ngày 19/6, các bác sĩ khoa Nhi, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tư vấn trực tuyến về "Dấu hiệu bệnh nguy hiểm ở trẻ bố mẹ nên biết và phương pháp chữa trị". Chương trình được phát trên fanpage VnExpress, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Độc giả đặt câu hỏi tại đây. |