Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện chưa ghi nhận những trường hợp có biến chứng nặng về hậu Covid-19. Các triệu chứng thường gặp: mệt mỏi kéo dài, lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, thay đổi về kỳ kinh... Nhóm này gọi là có các thay đổi về tâm lý. Tuy nhiên, bác sĩ Nhi cho rằng, tình trạng này cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên như: các biến đổi tâm sinh lý do có thai, mất ngủ hay khó ngủ vào các tháng cuối của thai kỳ, stress khi gặp khó khăn trong cuộc sống...
Nhóm thứ hai nặng nề hơn, đó là nhiều chị em bị ám ảnh, lo sợ các hậu quả nghiêm trọng sau khi được chẩn đoán là F0. Thậm chí tâm lý này kéo dài ngay cả khi đã khỏi bệnh. Họ ám ảnh sẽ diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong như các ca đã được báo cáo trong thời gian xảy ra dịch nghiêm trọng giữa năm 2021.
"Nhiều phụ nữ gọi đến chúng tôi hỏi rằng liệu có nên chích mũi 4, 5 vaccine phòng Coid-19? Làm cách nào để mẹ và bé an toàn? Biến chứng giai đoạn hậu Covid-19 là gì?... Hầu như họ không dám đi đâu, không đi khám thai hay khám phụ khoa theo lịch hẹn, khiến việc quản lý thai và bệnh phụ khoa gặp khó khăn. Chưa kể, ngoài những phụ nữ đang mang thai, các chị em có ý định mang thai trong thời gian sắp tới, cũng thường xuyên gọi điện thoại nhiều lần trong ngày vào đường dây nóng của bệnh viện vì những lo lắng trên", bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi đang tư vấn cho thai phụ. Ảnh: Thúy Nguyễn
Bác sĩ Nhi thông tin, Covid-19 đã đi qua giai đoạn khó khăn và kinh hoàng nhất. Những người đã chứng kiến cảnh người thân ra đi trong giai đoạn này có thể bị sang chấn tâm lý nặng hơn những người khác. Vì vậy các bác sĩ thông qua tổng đài tư vấn bệnh Covid-19 luôn đồng hành hỗ trợ giải đáp thắc mắc, trấn an họ, giúp họ cân bằng lại tâm lý.
Để bảo vệ sức khỏe, ngoài các hỗ trợ tư vấn của y khoa, chị em phụ nữ, nhất là các thai phụ, cần tuân thủ 5K, duy trì chế độ nghỉ ngơi cũng như dinh dưỡng đầy đủ, tầm soát bệnh, kiểm tra thai đúng lịch định kỳ. Nhiễm siêu vi trong 3 tháng đầu thai kỳ cũng là vấn đề đáng lo ngại, vì vậy các bác sĩ luôn khuyến khích chị em nên chủ động chích ngừa một số bệnh trước khi mang thai như sởi, quai bị, Rubella, cúm,...
Hiện nay, các chuyên gia đang khuyến cáo thai phụ nên chích ngừa Covid-19 vào thời điểm phù hợp. Các dữ liệu khoa học có được cho đến hiện tại về bệnh Covid-19 và thai cho thấy tỷ lệ sảy thai, thai mắc dị tật... không có sự khác biệt giữa 2 nhóm phụ nữ có thai có và không có mắc Covid-19. Tỷ lệ sinh non có tăng cao khi mẹ mắc bệnh Covid-19 thể rất nặng, nguy kịch, nhất là khi mẹ chưa kịp chích ngừa Covid-19. Vì vậy chích ngừa các bệnh trước khi mang thai, kể cả một số chích ngừa trong lúc mang thai như bệnh Covid-19 hay cúm được khuyến khích.
"Khi nào nên mang thai sau khi nhiễm Covid-19?", trước câu hỏi này, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ, hiện nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác cũng như hướng dẫn y khoa quốc tế hay quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, để bảo đảm sức khỏe tinh thần, thể lực thì chị em có thể nghỉ ngơi, ổn định tinh thần, sức khỏe. Sau khi đã khỏi bệnh từ một đến vài tuần thì có thể mang thai lại. Tùy từng trường hợp, chị em có thể đến khám sức khỏe trước khi mang thai để các bác sĩ tư vấn hỗ trợ thêm.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê hơn 200 triệu chứng kéo dài hơn 2 tháng sau mắc Covid-19 (hậu Covid 19). Thêm vào đó, một số nghiên cứu nhỏ về sức khỏe sinh sản ở nam giới, cho thấy nCoV có làm giảm chất lượng tinh trùng ở 37% dân số nghiên cứu. Tuy nhiên, tình trạng này có thể phục hồi trở về như trước đó sau 1-6 tháng. Tại Việt Nam, hiện tại chưa có nghiên cứu nào về Covid-19 ảnh hưởng sức khỏe sinh sản được công bố.
Bác sĩ Mỹ Nhi cũng chia sẻ thêm, nam giới không nên quá lo lắng điều này, vì các nghiên cứu hiện nay cũng cho thấy theo thời gian sức khỏe sinh sản sẽ hồi phục trở lại, nam giới có thể gặp các bác sĩ nam khoa để được khám và tư vấn thêm.
Lê Nguyễn