Vừa dỗ con khóc, chị Thanh Phương (27 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết suốt 3 ngày qua, con trai 13 tháng tuổi của chị thường quấy khóc và đưa tay cào mặt do ngứa. Khi thăm khám, Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh, thấy hai bên má của bé khô, ửng đỏ, xuất hiện da dày sừng, nứt nẻ và nhận định bé bị viêm da cơ địa ở má. Bác sĩ Bích cho hay bé sẽ lành bệnh sau vài ngày bôi thuốc giảm ngứa, chống viêm và kem dưỡng ẩm.
Ở phòng khám Da liễu kế bên, ThS.BS Vũ Thị Thùy Trang cũng đang khám cho bé Bảo Ngọc (18 tháng tuổi, quận 7) bị da ửng đỏ, thô ráp, nổi mụn nước nhỏ ở vùng nếp da khuỷu tay, cổ tay và bả vai. Ba bé Ngọc cho biết hai ngày trước có bôi thuốc mỡ cho con nhưng không đỡ. Bé quấy khóc nhiều hơn, không chịu đi ngủ, ba mẹ không thể nào dỗ được.
Không chỉ trẻ em, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da còn tiếp nhận nhiều người lớn đến điều trị viêm da cơ địa. Chị Phương Nhung (22 tuổi, quận 3) thường xuyên ngứa cổ, sờ thấy da khô, nhám, bong vảy trắng sau khi vài cơn mưa xuất hiện. Buổi tối chị khó ngủ vì ngứa dữ dội, buổi sáng chị thường đi làm trong tình trạng uể oải. Sáng 24/5, sau 5 ngày điều trị, chị tái khám với vùng da cổ đã hết khô, giảm ngứa, rát, da trở nên mềm hơn.
Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích cho biết tuần này có gần 250 người bệnh đến khám và điều trị viêm da cơ địa, tăng gấp đôi so với tuần trước, chiếm hơn 35% bệnh nhân da liễu. Trong số đó, nhiều nhất trẻ em dưới 2 tuổi.
Theo Tiến sĩ Bích, viêm da cơ địa còn được gọi là chàm thể tạng, ở trẻ em gọi là chàm sữa hay lác sữa. Bệnh có các triệu chứng bao gồm: mảng da viêm đỏ, bong vảy, có mụn nước, khô ráp, dày sừng, nứt nẻ, ngứa dữ dội... thường xuất hiện ở hai bên má, quanh miệng, trán, thân mình, cổ, bẹn, các nếp da... Nếu càng gãi (để giảm ngứa) thì càng làm da bị chấn thương, trầy xước gây nhiễm trùng da. Đây là bệnh mạn tính, dễ tái phát.
Bệnh viêm da cơ địa có liên quan đến yếu tố di truyền như rối loạn chức năng miễn dịch và rối loạn cấu tạo da. Một số tác động từ môi trường dễ làm bệnh bùng phát nhanh hơn như bụi, ô nhiễm, hóa chất, thời tiết. Tại TP HCM những ngày qua, nắng nóng chuyển sang mưa đột ngột, nhiệt độ chênh lệch nhiều. Ở người có cơ địa dị ứng hoặc gen chàm thể tạng, sự thay đổi về nhiệt độ, môi trường hoặc căng thẳng tâm lý sẽ làm tổn thương hàng rào bảo vệ da và làm cho bệnh viêm da cơ địa bùng phát. Đặc biệt, với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, sức đề kháng yếu nên khi thời tiết thất thường cũng dễ bùng phát viêm da cơ địa.
Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện do những nguyên nhân như cơ địa hay dị ứng, dị ứng thực phẩm, nhiễm trùng cấp tính gây suy giảm miễn dịch, rối loạn nội tiết, căng thẳng thần kinh. Một số tác nhân làm tổn thương da cũng gây tăng nguy cơ bị viêm da cơ địa như: xà phòng, chất tẩy rửa...
Bác sĩ Bích hướng dẫn người bệnh viêm da cơ địa chăm sóc sức khỏe để tránh yếu tố kích thích bệnh khởi phát như sau:
Tránh ăn thức ăn dễ gây dị ứng, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên giặt chăn, nệm, thảm, rèm cửa, tránh khói thuốc lá và môi trường nhiều bụi, ô nhiễm.
Không tắm quá 20 phút một lần, ưu tiên tắm bằng nước ấm hơn là nước nóng. Nên dùng một loại xà phòng, dầu gội, chất tẩy rửa nhẹ nhàng với độ pH 5.5 hoặc không xút (NaOH).
Hạn chế tối đa gãi ngứa, cắt móng tay tránh việc gãi mạnh gây tổn thương da, với trẻ em cần mang bao tay vào buổi tối.
Nên mặc áo thoáng mát, vải mềm, mỏng trong thời tiết nóng. Uống đủ nước mỗi ngày.
Để phòng ngừa bệnh viêm da cơ địa người dân cần bảo vệ da bằng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, sử dụng các hóa mỹ phẩm dành cho da nhạy cảm, có chế độ ăn uống và vận động lành mạnh.
Bệnh viêm da cơ địa dễ tái phát nên nếu không được điều trị đúng cách hay để nặng hơn sẽ dẫn đến các biến chứng gồm: bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô, viêm da thần kinh mạn tính, nhiễm trùng da, dày da, tăng sắc tố da, rối loạn giấc ngủ. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm da cơ địa giúp giảm thời gian cũng như chi phí điều trị.
Đinh Tiên