Nhiều người nghĩ sinh ra và nuôi một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành là công ơn vô bờ. Nhưng thực tế đó là trách nhiệm, được pháp luật quy định, có tên là "đảm bảo sự phát triển hoàn thiện và thể chất, nhân cách, trí tuệ cho trẻ".
Việc nuôi dạy con hoàn thiện về thể chất và nhân cách mới là điều rất khó chứ không chỉ đơn giản cho con ăn ba bữa mỗi ngày. Trong thời đại hiện nay, trẻ mồ côi trong các làng SOS vẫn phát triển mà không cần cha mẹ. Các em có thể thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình yêu thương, nhưng các em vẫn sống để trở thành công dân tốt.
Vì vậy, khi một đứa trẻ lớn lên không thể hoàn thiện thể chất, nhân cách, trí tuệ, cha mẹ cũng đừng than thở "nuôi con rất khó"? Chính họ đã không thể thực hiện trách nhiệm cơ bản với con mình.
Nhiều người có tư tưởng cứ sinh con trước đã rồi mới tính chuyện nuôi con. Tôi từng gặp nhiều trường hợp hiếm muộn, họ tán gia bại sản để có con. Sau đó, khi con được sinh ra, họ lại chẳng có gì để nuôi chúng, tiền bạc và sức khỏe đều đã khánh kiệt.
Chắc các bạn chưa quên câu chuyện cụ bà 60 tuổi sinh con nhiều năm trước. Cha mẹ sinh con, nhưng anh chị của đứa trẻ này mới là người nuôi em. Tôi rất tò mò người ta nghĩ gì khi sinh con ở tuổi 60? Tuổi thọ trung bình của người Việt là khoảng 70 tuổi, túc là đứa trẻ chưa trưởng thành đã mồ côi cha, mẹ, hoặc cả hai. Với tôi, đó không phải câu chuyện đẹp. Đó là một câu chuyện trong cả ngàn câu chuyện mà cha mẹ sinh con chỉ để thỏa mãn ham muốn cá nhân rồi mặc kệ tương lai con cái.
Hay nhiều người không đủ tư cách làm cha mẹ khi vô tâm với con cái, trì triết, bạo hành thể chất và tinh thần con nhưng tự bào chữa cái cớ mà người ta tự quy chụp: dạy con. Trước khi có con, họ không biết nuôi con là gì. Con lớn, họ vẫn nghĩ rằng công sức của mình cũng rất lớn. Khi con họ bị tổn thương tinh thần, nhân cách, thể chất, trí tuệ vì cách nuôi con của cha mẹ, họ vẫn bao biện: "nuôi con rất khó, công tôi rất lớn". Nuôi con hoàn thiện mới khó, nuôi con thiếu sót thì có gì đáng kể công?
>> Sai lầm khi làm hết việc nhà để con chuyên tâm học
Có những cha mẹ phân biệt đối xử với con cái thì không phải "nuôi con" đúng nghĩa.
Trọng nam khinh nữ: Pháp luật không phân biệt nam - nữ (ngoài bà bầu). Rất nhiều câu chuyện đáng buồn, nhiều mảnh đời tổn thương liên quan đến những đứa trẻ bị đối xử bất công, nhưng đa phần mọi người đều tặc lưỡi: "thời xưa ai chẳng thế". Thế nhưng ai bắt họ sinh con? Vì ai cũng sai nhưng lại coi đó là một sự hiển nhiên, đó là đánh tráo khái niệm.
Phân biệt trưởng, thứ, út: Vì không còn quan niệm cố hữu nào để biện minh, người ta sáng tác ra một "định luật" mới: "tay có ngón ngắn ngón dài", hoa mỹ hơn thì họ bao biện "con cái không đứa nào giống đứa nào nên đối xử khác nhau". Nói tàn nhẫn một chút, họ nhiều con nên thích đứa nào chăm đứa đó.
Nuôi con như đầu tư thương phẩm: Mọi người vẫn nói, không sinh con, đến khi già ai chăm? Tôi tự hỏi con cái với họ là gì?
Cha mẹ lớn, con nhỏ: Đây là một kiểu lẫn lộn đầu đuôi. Văn bản pháp luật có ghi rõ, quyền của cha mẹ với con hoàn toàn phục vụ cho trách nhiệm của cha mẹ với con cái. Khi bạn bảo không có trách nhiệm với con, tức là hết quyền. Mối quan hệ cha mẹ với con cái phục vụ cho sự phát triển của người con, chứ không phải tuổi già của cha mẹ, tức là nó đảm vảo quyền lợi của con cái trước tiên, hay con lớn, cha mẹ nhỏ trong mối quan hệ này.
"Nuôi con khó". Đó là câu nói để mỗi người lớn chúng ta thận trọng hơn trước khi quyết định muốn làm cha mẹ, chứ không phải cái cớ để kể công.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.