Chia sẻ quan điểm về phương pháp sử dụng đòn roi để dạy con, độc giả Nguyễn Ly kể lại câu chuyện của chính mình: "Con gái tôi học lớp bốn. Hôm rồi, con nói với tôi rằng: "Nếu mẹ còn đánh con như trước đây, con sẽ báo công an bắt mẹ vì bạo hành". Câu nói của con hoàn toàn nghiêm túc, khiến tôi giật nảy mình. Sự thật, cách đây hai năm, tôi bị trầm cảm do hôn nhân lục đục, các con còn nhỏ luôn bày bừa, học trước quên sau, ngày nào cũng khiến tôi phải dạy dỗ, hò hét khản cổ. Vì quá ức chế nên tôi mất kiếm soát, nhiều lần trút giận lên con bằng cách vừa chửi mắng, vừa đánh đập tới tấp bọn trẻ. Lúc đó, con rất hoảng sợ, nước mắt rơm rớm, lấy tay che đầu... hình ảnh đó vẫn luôn ám ảnh tôi mãi đến tận bây giờ.
Đã hai năm trôi qua, tôi chưa bao giờ dám lặp lại chuyện như vậy một lần nữa. Các con tôi bây giờ ngoan ngoãn, học giỏi, và cuộc sống gia đình cũng hạnh phúc hơn khi ba mẹ hòa thuận. Tôi cứ nghĩ rằng, con đã quên những chuyện trong quá khứ. Nhưng giờ đây, khi con đủ lập luận, nói rành mạch với tôi rằng 'sẽ báo công an nếu mẹ còn mất kiểm soát', tôi mới nhận ra rằng, các con đã bị tổn thương sâu sắc. Những ám ảnh trong quá khứ vẫn in hằn lên tâm trí con ngay cả khi chúng đang sống rất hạnh phúc. Tôi mong các bậc cha mẹ đừng giống như tôi để rồi một ngày nào đó phải ân hận".
Đồng cảm với suy nghĩ trên, bạn đọc Thoan Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm dạy dỗ trẻ đúng đắn của bản thân:
"'Thương cho roi cho vọt', câu nói trên cho thấy đánh con không phải hoàn toàn là sai lầm. Nhưng đánh con trong lúc giận dữ lại là rất sai. Đó là phương pháp mà tôi vẫn dùng để giữ con mình khỏi mắc khuyết điểm. Tôi xin chia sẻ với các bạn về phương pháp của mình:
1. Đối với trẻ chưa có ý thức: hãy đặt trẻ ở nơi an toàn, xắp xếp các vật dụng trong nhà cho hợp lý. Nếu trẻ đòi hỏi, khóc ăn vạ, hãy đánh lạc hướng, hoặc để trẻ tự nín một cách tự nhiên.
2. Đối với trẻ đã có ý thức, đã biết nói và biết thể hiện ý muốn của mình: vót một chiếc roi, đủ cứng, đủ nhỏ và đặt trên nóc tủ. Thường ngày, bạn hãy dành thời gian chơi với con, nói chuyện với con và hiểu chúng muốn gì? Khi tức giận, hãy kiềm chế, không lớn tiếng, không dọa nạt. Khi trẻ phạm sai lầm, hãy yêu cầu chúng dừng lại và giải thích lý do. Nếu trẻ tiếp tục phạm sai lầm, hãy chỉ tay lên nóc tủ và nói 'con sẽ bị đánh đòn'. Nếu trẻ vẫn tiếp tục lặp lại, hãy lấy chiếc roi xuống, yêu cầu chúng xin lỗi, và khắc phục hậu quả. Nếu trẻ không hợp tác, hãy đánh roi vào phần mềm. Đặc biệt lưu ý, nếu bạn nhẹ tay, trẻ sẽ chai đòn; còn nếu đánh quá mạnh sẽ tổn thương vĩnh viễn cho con. Vì vậy, hãy nhớ điều chỉnh lực đánh sao cho thật phù hợp nhất.
3. Khi con bạn khôn lớn và đủ chín chắn: chúng sẽ tự hợp tác với bạn, chiếc roi lúc này không còn ý nghĩa nữa. Hãy lắng nghe ý kiến của con và cho chúng biết những điểm yếu, điểm mạnh đối với từng loại vấn đề, chúng sẽ tự quyết định cuộc đời của chúng".
Đề cao phương pháp dạy con không dùng đòn roi, độc giả Daisy Pham bày tỏ: "Khi còn nhỏ, tôi rất thích trốn học ra đồng chơi. Mỗi lần như thế, bố mẹ lại cho tôi no đòn. Dần dần, tôi sợ không dám trốn học nữa, nhưng bên cạnh đó, tôi cũng sợ luôn cả bố mẹ và thậm chí từng có ý nghĩ quẩn sẽ bỏ nhà ra đi. Khi có con, tôi không muốn con giống mình hồi nhỏ, đó là sợ bố mẹ. Vì thế, tôi luôn tìm cách nói chuyện với con hoặc cho chúng lựa chọn hình phạt khi con làm sai chuyện gì đó. Ví dụ như khi con hất cơm, không chịu ăn, tôi cho con phải dọn vệ sinh và nhịn ăn, uống những món con thích... Tất nhiên, trẻ con không phải lúc nào cũng làm theo những gì mà người lớn mong muốn, nhưng đánh con sẽ không phải là cách tốt để dạy chúng ở thời đại này. Trẻ con bây giờ khôn hơn thời của chúng ta trước đó rất nhiều và sẽ có những phản ứng tiêu cực hơn chúng ta nghĩ nếu bố mẹ vẫn lạm dụng đòn roi".
>> Bạn nghĩ gì về việc sử dụng đòn roi khi dạy trẻ? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.