Có năm điểm chúng ta phải làm rõ trước khi trả lời câu hỏi nên dạy con kiểu Tây hay ta:
1. Nếu ở đâu có một cách giáo dục tối ưu, tốt hơn tất cả thì cả thế giới đã học theo và áp dụng hết. Vậy nên ắt hẳn giáo dục kiểu Tây hay ta cũng đều có ưu, nhược điểm. Đây chính là tính không toàn vẹn của một sự vật.
2. Chúng ta có rất nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà xã hội học, nên chắc chắn họ cũng đã có cân nhắc và suy nghĩ rất nhiều đến việc đổi mới tư duy giáo dục. Vậy nên, chúng ta, khi muốn bàn đến đổi mới giáo dục cần có trình độ để có cái nhìn toàn vẹn về vấn đề này.
3. Người Nhật Bản, Do Thái, hay Trung Quốc cũng đâu cần học theo kiểu phương Tây. Nhưng họ vẫn có nhiều nhân tài, vẫn giỏi nhiều lĩnh vực. Đó là một ví dụ điển hình.
4. Muốn đưa ra đánh giá về một vấn đề gì, chúng ta cũng phải căn cứ vào: trình độ phát triển, các yếu tố văn hóa - xã hội, điều kiện kinh tế, tự nhiên, lịch sử, yếu tố thời đại, quốc tế... Còn áp dụng rập khuôn chắc chắn là sai lầm. Bản thân tôi thấy trẻ em mà để tự do rất dễ hư. Vì hệ điều hành trong não trẻ chưa có gì để đưa ra lựa chọn khôn ngoan nhất. Nhưng nếu để một ông lão mới học tới tiểu học đi dạy một học sinh cấp ba thì cũng không đúng đắn.
>> Dạy con tự lập kiểu Tây hay hiếu thuận kiểu ta?
5. Giải quyết một bài toán xã hội đa dạng rất khó. Các thế hệ đi trước, thế hệ đi sau có nhiều tầng mức. Do đó, chúng ta phải khái niệm cụ thể: thế nào là thế hệ đi trước, đi sau? Chênh nhau trình độ, lứa tuổi, kinh nghiệm là gì? Ai tiến bộ hơn ai ở điểm gì...? Nhưng có một điều hiển nhiên, nếu thế hệ đi trước trình độ cao thì thế hệ trẻ phải nghe nhiều. Còn thế hệ đi trước lạc hậu, trình độ thấp, nên để thế hệ trẻ tự do hơn.
Nhưng dù ở xã hội ta hay Tây, dạy trẻ chỉ cần bốn điều cơ bản: yêu lao động, chăm học, yêu con người, sống đúng pháp luật. Không thể để con tự do ăn chơi, thích làm gì làm nấy, sẽ rất nguy hiểm. Dạy con chăm làm để có vật chất nuôi được cuộc sống, không có thời gian làm việc bậy bạ . Dạy con chăm học để làm người tốt, thông minh, có cơ hội làm giàu. Dạy con yêu người để có tình thương đồng loại. Sống đúng pháp luật để vì sự phát triển chung.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Anh Nguyễn