Thử tưởng tượng xe ôtô của bạn bị chết máy ngay chỗ dừng đèn đỏ. Bạn loay hoay khởi động lại nhưng đèn giao thông tàn nhẫn chuyển sang màu xanh. Rất có thể tiếng còi xe và những ánh nhìn đầy hằn học sẽ là những gì bạn nhận được từ những người xung quanh. Tại sao vậy? Vì nhiều người cho rằng bạn đang làm sai chứ không phải đang gặp khó khăn.
Con người ghét điều xấu từ trong bản năng. Thế nên cứ khi gặp điều không khó chịu, nhiều người ngay lập tức trở thành các "quan tòa" và phán xét đúng sai. Điều này có thể đúng, nhưng chưa đủ. nhất là trong sinh hoạt gia đình và môi trường học đường.
Trẻ em luôn thiếu đủ thứ, từ nhận thức đến kỹ năng. Tôi khá chắc rằng trẻ cũng muốn làm mọi thứ thật tốt nhưng các bé luôn gặp khó khăn. Thế nhưng nhiều người lớn, cả bố mẹ, và thầy cô, với góc nhìn cao vời vợi của mình, lại phán xét hành vi của trẻ là sai trái. Thay vì tìm hiểu nguyên nhân để gỡ rối, nhiều cha mẹ lại chỉ trích, mắng mỏ, làm ảnh hưởng đến suy nghĩ và sự phát triển của trẻ.
Tệ nhất có lẽ là nỗi đau "học sinh cá biệt". Không một ai nghĩ đến giải pháp thay đổi một học sinh cá biệt, cả người lớn và trẻ nhỏ. Họ cho rằng học sinh cá biệt là xấu. Con người vốn ghét cái xấu, luôn muốn tránh xa cái xấu. Người lớn tránh xa vì không muốn thêm rắc rối. Trẻ con cũng tránh con người "xấu xa bên trong". Vì thế, những đứa trẻ bị gắn mác học sinh cá biệt sẽ cảm thấy bản thân mình cũng không đủ tốt như góc nhìn của ngươi xung quanh. Chúng sẽ tìm cách quên thực tại bị căm ghét bằng game hay thậm chí là chất kích thích.
Vậy người lớn cần làm gì? Tôi cho rằng chỉ làm hết khả năng của mình. Quan tòa bên trong bạn sẽ không bao giờ chịu nghỉ việc, nhưng hãy thuê thêm những nhân viên công tác xã hội. Khi gặp một đứa trẻ "chưa tốt", hãy để những "nhân viên công tác xã hội" này tiếp xúc trước. Người lớn hãy quan sát, để tìm kiếm câu trả lời xem những đứa trẻ đang gặp khó khăn gì để giúp đỡ, để truyền đi bầu không khí cảm thông thay vì phán xét và xa lánh.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.