Một cậu bé 14 tuổi nhảy lầu từ tầng năm sau khi bị mẹ tát trước mặt các bạn học tại Trung Quốc. Đây là một sự việc đáng tiếc khi cha mẹ không còn cơ hội sửa sai, khi lòng tự trọng của con trẻ bị lãng quên và sự tổn thương tích tụ đủ lớn. Câu chuyện này chắc chắn không chỉ xảy ra ở năm 14 tuổi mà đã là một thói quen vô thức và vô tình của mẹ cậu trong quá khứ.
Đa số cha mẹ nghĩ rằng đã tiếp cận nhiều kiến thức, thông tin hiện đại về phương pháp dạy con trong thời đại mới. Nhưng các áp dụng những kiến thức đó thì chưa chắc. Hãy thử điểm lại một ngày, các bạn có nói những lời nào sau đây không?
- Nhanh lên, muộn lắm rồi!
- Con làm gì mà lề mề thế?
- Sao cái bài dễ thế con cũng không làm được?
- Con bị làm sao thế? Nói mãi sao không nhớ nổi?
- Sao mẹ đã dặn bao nhiều lần mà con không để vào đầu thế?
- Con có thấy bạn A làm rất giỏi không? Sao con không làm được như thế?
- Sao con lại bày bừa thế?
- Sao không biết thương mẹ gì vậy?
- Sao con bướng thế nhỉ?
- Sao con lớn từng này rồi mà không biết nhường em?
- Sao con học mà không tập trung nổi, cứ nghịch ngợm lung tung?
- Sao con không học tử tế, tốn tiền của mẹ.
- Con ra lấy cho mẹ cái chăn, gối...
>> Những bố mẹ cứ dạy con học là quát tháo
Lạm dụng quyền cha mẹ
Nếu thử làm cuốn nhật ký, sưu tầm những lời nói không vui với con mỗi ngày, bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra có những lời nói vô thức, buột miệng nói ra với con. Đến khi bình tâm nghĩ lại, chúng ta mới hiểu là không nên. Nhưng ngay tại thời điểm đó, chúng ta lại không thể nào ngăn lại được. Hành động đó là kết quả của một quan niệm đã găm sâu trong đầu: "Cha mẹ có quyền".
Chúng ta nói xong là quên, nhưng trẻ sẽ nhớ mãi. Những lời nói ấy sẽ vô tình găm vào trong trí não, đầu óc của trẻ, khiến chúng mặc định những suy nghĩ tiêu cực về bản thân như: con lề mề, bướng bỉnh, học dốt, không bằng bạn bè... Và rồi, chúng nghĩ thế thật với một thái độ cam chịu tiêu cực. Con không biết làm thế nào để cải thiện hoặc khiến bản thân tốt hơn lên trong mắt cha mẹ.
Trước đây, có một giai đoạn, con tôi cứ mỗi khi bị mẹ trách mắng hay cô phê bình, lại lập tức xuống tinh thần, không muốn làm gì cả, và mồm thì luôn lẩm bẩm: "Con là đứa tồi", "con chẳng làm được gì cả", rồi khóc... Lúc đó, tôi hoảng hốt nhận ra lời nói với trẻ mỗi một ngày bình thường là vô cùng quan trọng. Tôi đã quá vô tư trong lời nói, và đã quá lạm dụng quyền của cha mẹ.
Bình thường, chúng ta đối xử không công bằng lắm với con cái. Vì chúng ta lớn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn, biết nhiều hơn, chúng ta phải ra ngoài vất vả kiếm sống để nuôi con... nên ta tự cho mình có quyền sai và bảo. Trong khi đó, nghĩa vụ của con là phải tuân lệnh và nghe lời. Không nghe lời, tức là hư. Lúc đó, ba mẹ coi con đơn thuần là "con".
Coi "con" là "mình"
Đọc đến đây, có ba mẹ nào thấy mình đã quá vô lý không? Nếu chưa, hãy đọc tiếp. Bây giờ, đổi vai một chút, hãy coi con là bản thân bạn và trả lời các câu hỏi sau:
- Bạn có muốn làm việc mình không thích không?
- Bạn có thích nghe mắng không?
- Khi bị mắng, bạn vui hay buồn?
- Bạn có vui vẻ khi bị sai vặt không?
- Bạn có thói quen xấu không? Đã bỏ được chưa?
- Có điều gì bạn muốn mà chưa làm được? Vì sao? Vì chưa biết cách? Hay vì gì?
Nếu có rất nhiều điều bạn chưa làm được, thì tại sao bạn lại kỳ vọng con của mình phải làm được hết? Bạn có tư cách gì để áp đặt lên con? "Put yourself in others shoes", đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, là câu nói nên áp dụng lúc này. Chỉ khi bạn đặt chân mình vào đôi giày nhỏ bé của con, bạn mới hiểu được điều gì là tốt cho cả con và bạn.
Khi bạn coi "con" cũng là "mình", bạn sẽ cư xử với con theo cách mà bạn muốn người khác cư xử với mình. Bạn sẽ dừng vài giây để nói với con theo cách mà bạn cũng muốn nghe. Bạn sẽ không gào lên hoặc quát mắng nữa. Thay vì áp đặt và thúc ép và mắng nhiếc, bạn sẽ tìm cách thuyết phục và động viên. Bạn sẽ tự hạ bớt những áp lực và kỳ vọng, đặc biệt là trong chuyện học tập và thành tích. Bạn sẽ hiểu, để dạy con, bạn cần làm gương. Bạn đã nỗ lực chưa, bạn đã có thành tích gì để kể với con chưa?
Khi bạn coi "con" là "mình", bạn sẽ tôn trọng hơn cảm xúc của con, để con có quyền được mệt, được chán, được buồn, được có khoảng lặng. Bạn sẽ biết cách để giúp con giải phóng được những tâm trạng tiêu cực, phóng to những năng lượng tích cực. Bạn sẽ dễ dàng làm bạn với con, tôn trọng con hơn, từ bỏ bớt cái gọi là "quyền" vô lý của cha mẹ. Vậy nên, nếu cần một câu thần chú để giúp cha mẹ tự nhắc mình trước khi nói năng, hành động tiêu cực với con, đó là "con là mình".
"Ai ngọt nhạt được mãi?"
Đọc đến đây, sẽ có bố mẹ biện minh rằng "nói thì dễ, làm mới khó. Nói mãi mà con không nghe thì phải mắng chứ biết làm sao? Ai mà đi theo động viên, ngọt nhạt với con được cả ngày?"... Đúng, nhưng câu chuyện không diễn ra trong một ngày. Bạn thay đổi mình khó như thế nào, thì thay đổi con cũng khó như vậy. Đến bản thân mình, bạn còn không ra lệnh được, thì bạn nghĩ xem, vài câu mắng có xử lý được tận gốc vấn đề của con không? Lúc đó, con sẽ ngậm đắng nuốt cay, hậm hực mà nghe bạn. Nhưng hôm sau, sự việc sẽ lặp lại, bạn vẫn mắng, và mắng mãi cũng thành nhờn. Đến một ngày, lời mắng nhiếc của bạn sẽ như tiếng muỗi vo ve. Vậy tỏ ra uy quyền với con để làm gì? Nếu bạn đầu hàng và bất lực bằng cách đánh mắng, có phải bạn đã thất bại không?
Nhân duyên mang đến cho tôi một món quà từ một người bạn. Món quà đó là năm câu nói: "Dạ vâng", chào hỏi, "xin phép", "xin lỗi", "cảm ơn". Nghe có vẻ bình thường quá đúng không? Nhưng đừng coi thường chúng. Những câu nói đơn giản như vậy nhưng sẽ mang lại điều kỳ diệu to lớn. Chúng ta dạy lễ nghĩa cho trẻ, nhưng bản thân chúng ta lại quên mất. Bao nhiêu người trong số chúng ta nói được những lời này trong sinh hoạt hàng ngày, không chỉ với người lạ, mà còn cả với người thân?
Hãy áp dụng cả năm câu nói này với vợ, chồng và với con. Khi bạn tôn trọng vợ, chồng, con cái, bạn cũng sẽ nhận lại được sự tôn trọng. Khi đi làm về, hãy chào con thật to; khi cần nhờ con việc gì, đừng sai khiến, hãy xin phép:"Bố mẹ nhờ con được không?"; khi con gọi, hãy luôn trả lời niềm nở: "Bố mẹ đây, có chuyện gì vậy con?"; khi con làm giúp bạn một việc, hãy luôn cảm ơn và ghi nhận; khi bạn làm điều gì sai, nhất định phải xin lỗi. Làm được tất cả những điều đó, chắc chắn bạn sẽ nhận lại đủ năm món quà này từ con.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.