Bà Đỗ Thị Hồng mắc bệnh đái tháo đường 15 năm nay, bị biến chứng viêm gần một nửa bàn chân, còn tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Ngày 14/10, BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chỉ định mổ chích ổ áp xe, tránh nguy cơ nhiễm trùng cả bàn chân lan đến cẳng chân gây nhiễm khuẩn huyết phải cắt cụt chi.
Vị trí ổ áp xe ở mu bàn chân phải nằm ngay trên đường đi của gân duỗi ngón chân cái. Kíp mổ làm sạch các tổ chức hoại tử và khéo léo để ít bộc lộ gân duỗi ngón chân, giúp vết thương hồi phục nhanh hơn, bảo tồn gân, mạch máu, thần kinh.
Hậu phẫu, người bệnh được chuyển đến Đơn vị chăm sóc bệnh lý bàn chân để điều trị tiếp. Sau 5 ngày, bà Hồng xuất viện, chăm sóc vết thương bàn chân tại nhà theo hướng dẫn. Tái khám sau một tháng, chân của bà đã lành, có thể đi lại thoải mái.
TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng Đơn vị chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông thường để điều trị vết loét bàn chân do áp xe hay các tổn thương do đái tháo đường cần thời gian 3-4 tháng để hồi phục hoàn toàn.
Người bệnh đái tháo đường thường dễ bị biến chứng bàn chân hơn người bệnh thường. Do đó, cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, kiểm soát đường huyết ổn định để phòng tránh biến chứng bàn chân đái tháo đường.
Theo bác sĩ Ngọc, chăm sóc tốt bàn chân người bệnh đái tháo đường có thể giảm 85% nguy cơ phải cắt cụt chi. Người bệnh khi gặp các tổn thương da, hay xuất hiện các cục chai, sần ở bàn chân không tự xử lý tại nhà, nên đến bác sĩ khám và điều trị.
Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc bệnh này, trong đó hơn 55% người bệnh bị biến chứng. Nhiễm trùng hoại tử phải cắt chi là một trong những tổn thương nặng nhất của bệnh đái tháo đường.
Thanh Ba
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |