Trả lời:
Nấm Candida sống ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Khi ở trạng thái cân bằng, nó không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong điều kiện thuận lợi như môi trường ẩm ướt, sử dụng kháng sinh kéo dài, rối loạn nội tiết, suy giảm miễn dịch, vệ sinh không đúng cách hoặc chế độ ăn nhiều đường, nấm có thể phát triển mạnh, gây nhiễm trùng nấm.
Nhiễm nấm Candida không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mang thai hay gây tổn thương vĩnh viễn đến cơ quan sinh sản nhưng làm giảm khả năng thụ thai tự nhiên. Bởi bệnh gây mất cân bằng độ pH trong tử cung, làm giảm khả năng sống sót của tinh trùng và hứng thú quan hệ tình dục. Người mắc bệnh cần điều trị kịp thời để giảm tác động tiềm ẩn đến sức khỏe sinh sản.

Người bệnh đến khám, kiểm tra sức khỏe sinh sản. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Nếu bị nhiễm nấm Candida khi đang cố gắng thụ thai, bạn không cần quá lo lắng. Đây là tình trạng rất thường gặp, các triệu chứng từ mức nhẹ đến trung bình có thể điều trị đơn giản bằng thuốc kháng nấm âm đạo không kê đơn hoặc thuốc uống theo toa chỉ định của bác sĩ. Hầu hết các loại thuốc đều có tác dụng trong vòng 3 đến 7 ngày.
Nếu những triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể được điều trị kéo dài. Trong quá trình điều trị, phụ nữ không dùng các loại xà phòng thụt rửa bên trong âm đạo. Vệ sinh vùng kín không đúng cách dẫn đến môi trường âm đạo bị ảnh hưởng, làm thay đổi nồng độ pH trong âm đạo khiến nấm có điều kiện phát triển gây bệnh. Bạn nên vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng và nước ấm, sạch. Nếu các triệu chứng không biến mất sau khi đã uống thuốc đầy đủ, bạn nên đến gặp bác sĩ.
Duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh bằng cách áp dụng chế độ ăn chống viêm lành mạnh, thực hiện vệ sinh tốt, tránh sử dụng quá nhiều kháng sinh cũng có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển quá mức của nấm Candida. Để bảo vệ sức khỏe sinh sản, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ.
Bác sĩ Hoàng Tiến Lên
Trung tâm Sản Phụ khoa
Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |