Tôi làm kỹ thuật, trong 10 năm nhảy việc tới tám công ty. Ấy vậy nhưng tôi vẫn thường là "key member" (thành viên chủ chốt), lương vẫn cao. Công ty tôi làm lâu nhất là trong khoảng ba năm. Còn lại, chỉ cần vào một thời gian và thấy môi trường không phù hợp là tôi nghỉ liền. Tôi nghĩ, quan trọng là mức độ đóng góp của mỗi người cho tổ chức đến đâu chứ không phải thời gian gắn bó. Nếu bạn giúp dự án trôi chảy, tiền về công ty nhanh nhất thì hoàn toàn xứng đáng được trả lương cao.
Kể cả khi không muốn rời công ty, tôi vẫn thường xuyên đi phỏng vấn các nơi để biết thêm xu thế tuyển dụng hiện tại, và hiểu được giá trị của bản thân mình đến đâu? Mỗi lần như thế, tôi lại xin ra ngoài một tiếng đồng hồ, quản lý hỏi "đi đâu?", tôi thẳng thắn trả lời "đi phỏng vấn cho vui". Và sau đó, tôi vẫn liên tục học tập, trau dồi, nâng cao hơn nữa giá trị của bản thân.
Tất nhiên, ở cương vị quản lý, không ai thích nhân viên nhảy việc liên tục. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, nếu làm tốt, có trách nhiệm, vẫn tốt hơn là người trung thành nhưng làm việc ì ạch, chỉ chờ lương, không có chí cầu tiến.
Khi thấy hết mục tiêu, động lực để phấn đấu ở công ty hiện tại hoặc nhận ra giá trị của mình cao hơn nhiều so với mức đã ngộ đang được nhận, tôi sẵn sàng nghỉ việc, bàn giao đầy đủ trong 45 ngày, và ra đi mà không hề thấy áy náy. Đương nhiên, mỗi lần nhảy việc, lương của tôi cũng tăng lên rất nhiều, có khi gần gấp đôi.
Bí quyết của tôi là phải làm việc hăng say, luôn trau dồi kiến thức và trung thực với tổ chức. Ở bất kỳ công ty nào, tôi cũng luôn là người về muộn nhất, sẵn sàng nhận những dự án hay nhiệm vụ khó khăn. Vì tôi không giỏi và không nhanh nhạy bằng một số thành viên khác nên tôi phải làm nhiều thời gian hơn, nghiêm túc hơn, đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, hiệu suất công việc của tôi luôn gần gấp đôi người khác dù lương bằng nhau. Nếu công ty không ghi nhận điều đó, chắc chắn tôi sẽ nghỉ. Nói thêm rằng, tôi chưa bao giờ chủ động đòi hỏi tăng lương.
>> Định kiến người nhảy việc không bằng nhân viên thâm niên
Làm kỹ thuật nên mỗi khi qua một dự án nào đó, tôi lại tranh thủ học hỏi, cập nhật thêm kiến thức, kinh nghiệm để bổ sung vào CV. Có thời gian rảnh, tôi lại học nâng cao trình độ của mình. Thế nên, CV của tôi lúc nào cũng ở trạng thái sẵn sàng mang đi phỏng vấn. Mỗi khi gặp phải một câu hỏi khó, không trả lời được của nhà tuyển dụng, tôi lại về tìm hiểu kỹ hơn.
Họ yêu cầu kỹ thuật, công nghệ nào đó mà bản thân chưa biết thì tôi lại tìm tòi và cập nhật vào hồ sơ (tìm hiểu kỹ chứ không qua loa). Cứ như vậy, CV của tôi ngày một dày lên, nên ngày càng được các nhà tuyển dụng đánh giá cao (đừng tìm hiểu đại khái rồi ghi vào CV cho đẹp, vì khi nhà tuyển dụng hỏi lại mà bạn không hiểu sâu để trả lời thì sẽ mất rất nhiều điểm).
Đến giờ, bất cứ công ty nào mà tôi từng làm việc cũng đều có những cái được và cái mất. Thấy điểm nào không phù hợp với tiêu chí của bản thân thì tôi sẽ nghỉ việc, tuyệt đối không bao giờ bàn tán, nói xấu công ty và đồng nghiệp cũ. Tôi quan niệm, nếu thấy chấp nhận được thì làm, còn không thì nghỉ, đừng làm việc với thái độ bất mãn hay nói xấu sau lưng, như vậy sẽ chỉ làm mất năng lượng tích cực và khiến bản thân thêm trì trệ mà thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.