Đọc bài viết "Đòi hỏi lòng trung thành khi phỏng vấn tuyển dụng", tôi nhận ra trong xã hội vẫn còn nhiều định kiến với chuyện nhảy việc. Tôi từng làm ở công ty có nhân viên rất trung thành, nhiều người làm trên sáu năm, thậm chí tới mười năm. Mỗi khi công ty di chuyển trụ sở hoặc có khó khăn về kinh doanh, họ đều hết lòng hỗ trợ.
Thời điểm mới vào làm việc, tôi nhận được mức lương khoảng 7-8 triệu đồng một tháng. Trong khi đó, lương tháng của người trực tiếp chỉ việc cho tôi, với sáu năm kinh nghiệm, chỉ là 6.5 triệu đồng. Nhìn tương lai các anh chị ở đó quá mờ mịt, nên tôi tự nhủ cố gắng học tập, tích lũy chút kinh nghiệm, rồi nhảy việc.
Rồi tôi qua công ty khác làm việc với mức lương 11 triệu đồng. Người hướng dẫn công việc cho tôi cũng thuộc dạng "lão làng" với mức lương 10 triệu đồng. Theo tôi, số tiền này không phải là ít vì dù công việc liên quan đến Excel mà người đó đến mấy hàm cơ bản như VLOOKUP cũng không biết dùng, nên cứ dồn ứ toàn bộ chứng từ suốt từ tận tháng 5 đến tháng 9.
Tôi giải quyết tất cả mớ hỗn độn ấy trong vòng hai tuần, thiết kế lại quy trình làm việc: từ thói quen lật từng trang tài liệu để kiểm bằng mắt, chuyển sang số hóa và dùng Excel kiểm giúp. Thời gian rảnh, tôi cũng hỗ trợ các bạn đồng nghiệp khác và phát hiện quy trình tải mỗi lần một đơn hàng có thể chuyển thành 50 đơn hàng trên hệ thống của khách.
Thế nhưng, bạn có biết đồng nghiệp tôi nói gì không? Họ nói tôi chỉ là người mới vào công ty được hai tháng, làm sao biết hơn những người đã làm ở đây trên hai năm. Nói miệng vậy chứ tôi biết họ vẫn dùng đơn hàng mẫu mà tôi đã tải. Cuối cùng, tôi quyết định nhảy việc một lần nữa. Khi tôi đi, tất nhiên công ty vẫn hưởng lợi vì tôi đã đào tạo người mới với quy trình mới. Tới giờ, bạn đó vẫn thường xuyên cảm ơn và tặng quà tôi mỗi khi gặp lại.
>> Đợi đến 10 năm mới nhảy việc thì lỗi thuộc về bạn
Nói thật, trước đây, tôi rất ngại chuyện nhảy việc và thậm chí luôn gộp năm kinh nghiệm của mình lại mỗi khi xin việc ở chỗ mới (làm hai công ty nhưng tôi nói dối là một), tất cả chỉ vì cái định kiến số năm kinh nghiệm. Thà là vị trí quản lý thì số năm quan trọng, chứ như nhân viên kế hoạch mà 5 năm vẫn không lên được chức, lương thấp mà lại tự đánh giá mình cao chỉ vì "trung thành" thì quả là ngớ ngẩn.
Sắp tới đây, tôi cũng sẽ nộp đơn nghỉ việc một lần nữa, sau khi phỏng vấn thành công ở công ty mới. Dù tôi vẫn được tăng lương sau một năm dịch bệnh, thậm chí trước Tết công ty còn thông báo sang năm mới sẽ tăng tiếp, nhưng tôi vẫn quyết tâm chuyển việc. Với kinh nghiệm và kỹ năng của mình, có lẽ tôi khó có thể tìm được một công ty nào gần nhà với mức đãi ngộ như vậy, nhưng tôi vẫn phải đi vì đã bị chuyển team đến bốn lần trong vòng một năm qua. Ba lần đầu là do nguyên nhân khách quan như team leader nghỉ, phát triển dự án, nhưng lần thứ tư họ tự đồng điều chuyển mà không nói với tôi câu nào.
Vậy là tôi đã nhảy việc tới bốn công ty trong vòng bốn năm. Thực ra, quan điểm của tôi là môi trường làm việc không nhất thiết phải quá thoải mái vì mình rất khắt khe với bản thân, lương không cần phải quá cao, sếp khó tính cũng chẳng quan trọng vì tôi cứ làm tốt thì đâu ai nói được gì. Nhưng một điều không thể thiếu với tôi là dù làm nhân viên nhưng vẫn phải cảm thấy mình được tôn trọng. Tôi không phải một món hàng để người ta muốn làm gì thì làm, đặt đâu phải ngồi đấy.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.