Chị Lý Thị Hoàng Yến (36 tuổi, Hà Nội) mang thai 38 tuần tuổi nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng vỡ ối, chảy máu ồ ạt, nguy cơ tử vong cao ở cả mẹ lẫn con. Với sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ khoa Phụ sản, chị Hoàng Yến qua cơn nguy kịch, bé gái chào đời nặng 2,7 kg, da hồng, khóc to và phản xạ tốt.
Theo ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, Bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khi nhập viện, bệnh nhân ra máu rất nhiều, qua siêu âm phát hiện nhau tiền đạo. Trường hợp này nếu không mổ bắt con gấp, cả hai mẹ con có thể tử vong: mẹ không cứu được do mất máu nặng, con trong bụng cũng nguy hiểm tính mạng vì ngạt.
Bác sĩ Hiền Lê cho biết thêm, nhau thai là cơ quan hình thành bên trong tử cung khi mẹ mang thai, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển. Bên cạnh đó, nhau thai còn bảo vệ thai nhi khỏi những tác động từ cơ thể mẹ và môi trường bên ngoài. Chính vì thế, những bệnh lý từ mẹ đều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ.
Bánh nhau có hình tròn, đường kính khoảng 15cm, nặng khoảng 1/6 trọng lượng của thai nhi (khoảng 400 - 500g), dày 2,5- 3cm. Mỗi bánh nhau gồm 15-20 múi, giữa các múi là các rãnh nhỏ.
Nhau thai bám vào thành tử cung của mẹ và dây rốn của thai nhi, được gắn vào phía trên, phía trước, bên hông hoặc phía sau tử cung. Một số ít trường hợp nhau thai có thể bám vào vùng tử cung dưới, thậm chí là ngay trên cổ tử cung. Khi nhau thai bám thấp, chính là biến chứng nhau tiền đạo và có thể gây nguy hiểm cho thai kỳ.
Đối với thai kỳ bình thường, nhau thai sẽ bám vào mặt trước hoặc mặt sau của phần đáy tử cung. Tuy nhiên, khi nhau thai bám vào đoạn dưới tử cung và cổ tử cung, che mất một phần hoặc che kín cổ tử cung, làm cản trở đường đi của thai nhi khi chuyển dạ được gọi là nhau tiền đạo (hay còn gọi là rau tiền đạo).
Dựa vào vị trí bám, nhau tiền đạo được phân chia thành 4 loại: nhau tiền đạo bám thấp: Bờ bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung, chưa đến lỗ trong cổ tử cung; nhau tiền đạo bám mép: Bờ bánh nhau bám đến bờ lỗ trong cổ tử cung; nhau tiền đạo bán trung tâm: Bánh nhau che kín một phần lỗ trong cổ tử cung; nhau tiền đạo trung tâm: Bánh nhau che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung, chiếm tỷ lệ 20-30% các trường hợp.
Nguyên nhân gây ra nhau tiền đạo
Nhau thai có thể phát triển ở bất cứ nơi nào mà phôi làm tổ trong tử cung. Trường hợp phôi làm tổ ngay phần dưới của tử cung sẽ dẫn đến nhau thai phát triển ở đó, đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhau tiền đạo.
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê chia sẻ một số yếu tố nguy cơ thể gặp ở những thai phụ như: trải qua sinh nở nhiều lần; có tiền sử bị sảy thai hoặc nạo thai nhiều lần; tiền sử bị viêm nhiễm tử cung; thai phụ đã từng mắc nhau tiền đạo ở những lần mang thai trước; nhau thai lớn do mang đa thai; tử cung có hình dạng bất thường; thai phụ mang thai khi lớn tuổi (trên 35 tuổi); thai phụ sử dụng nhiều chất kích thích, đặc biệt là hút thuốc lá.
Triệu chứng thường gặp
Dấu hiệu nhau tiền đạo khác nhau tùy vào thể lâm sàng và mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tuy nhiên, thai phụ có thể nhận biết hiện tượng này thông qua các triệu chứng khi mang thai gồm: xuất huyết âm đạo bất thường (máu có màu đỏ tươi, đôi khi có lẫn máu cục) nhưng không gây đau đớn, có thể thấy ở 3 tháng cuối thai kỳ; hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra tự nhiên và tự cầm đột ngột mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tái phát sau vài ngày hoặc vài tuần với lượng máu ngày càng tăng.
Một số thai phụ có thể đối mặt với tình trạng xuất huyết kèm các cơn đau bụng do tử cung co thắt.
Biến chứng của nhau tiền đạo nguy hiểm như thế nào?
Nhau tiền đạo có thể dẫn đến tình trạng băng huyết trong thai kỳ và ngay cả khi sinh, gây nhiều nguy hiểm, đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi, cụ thể:
Đối với thai phụ: Bệnh gây xuất huyết tái phát nhiều lần trong thai kỳ khiến thai phụ thiếu máu, dễ sinh non. Trường hợp nhau tiền đạo bám gần cổ tử cung, sau sinh bánh nhau bị bóc tách khiến cổ tử cung hở, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng, thậm chí có thể phải cắt bỏ tử cung nếu bánh nhau cài chặt vào cơ tử cung, không tách được khỏi lớp niêm mạc tử cung.
Đối với thai nhi: Mẹ bị thiếu máu có thể khiến thai nhi suy dinh dưỡng, suy thai. Khi mẹ xuất huyết quá nhiều, để cứu cả mẹ và thai nhi bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai gấp, mặc dù thai chưa đủ tháng khiến trẻ sinh non có nguy cơ bị suy hô hấp. Thêm vào đó, việc bánh nhau thai nằm ở phần dưới tử cung khiến thai nhi khó xoay đầu xuống, dẫn đến tình trạng ngôi thai ngược (ngôi mông hoặc ngôi ngang) dễ xảy ra.
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê cho biết, trong số những trường hợp mắc bệnh, nguy hiểm nhất là nhau tiền đạo trung tâm bởi bánh nhau thai che mất hoàn toàn cổ tử cung. Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu được nêu trên, mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Phương pháp chẩn đoán
Việc chẩn đoán được thực hiện thông qua phương pháp siêu âm. Qua đó có thể xác định được vị trí bánh nhau bám ở vùng nào của tử cung như mặt trước, mặt sau, đáy, thân, bám thấp, bán trung tâm hay tiền đạo trung tâm.
Các phương pháp siêu âm cũng có ý nghĩa trong chẩn đoán nhau tiền đạo biến chứng nhau cài răng lược. Hình ảnh siêu âm cho thấy khoảng cách giữa bánh nhau và thành bàng quang thu hẹp lại, mạch máu xuyên qua thành cơ tử cung đến thành bàng quang trên phổ siêu âm doppler. Biến chứng này thường được khuyến cáo thực hiện siêu âm phát hiện sớm từ sau tuần thai thứ 28.
Điều trị
Theo ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, nguyên tắc chung của điều trị nhau tiền đạo là thực hiện cầm máu cứu thai phụ. Tùy vào tuổi thai, mức độ xuất huyết, khả năng nuôi dưỡng sơ sinh cũng như đánh giá mức độ truyền bù máu phù hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định nên kéo dài tuổi thai hoặc mổ lấy thai.
1. Đối với trường hợp nhau tiền đạo khi chưa chuyển dạ
Thai phụ cần nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, thực hiện chế độ ăn uống bổ sung các chất dinh dưỡng; sử dụng thuốc giảm co như spasmaverine 40mg (1-4 viên/ngày), salbutamol, progesterone; có thể sử dụng corticoid giúp phổi thai nhi trưởng thành sớm; trường hợp những thai nhi đủ tháng: Bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai chủ động trong trường hợp nhau tiền đạo trung tâm, còn những trường hợp khác có thể cân nhắc theo dõi đến lúc chờ chuyển dạ; trường hợp nhau thai xuất huyết nhiều, đe dọa tính mạng thai phụ, thực hiện mổ lấy thai ở bất kỳ tuổi thai nào.
2. Đối với trường hợp nhau tiền đạo khi chuyển dạ
Trường hợp nhau tiền đạo trung tâm hoặc bán trung tâm: phương pháp xử trí là mổ lấy thai;
Trường hợp nhau bám mép: Mổ lấy thai cấp cứu nếu thai phụ xuất huyết nhiều. Nếu thai phụ xuất huyết ít, ngôi thế, cổ tử cung thuận lợi: Thực hiện bấm ối và xé màng ối về phía không có bánh nhau để cầm máu. Sau khi xé màng ối nhưng vẫn ra máu thì mổ lấy thai, còn không ra máu thì theo dõi đường âm đạo.
Trường hợp nhau bám thấp: Mổ lấy thai nếu ra nhiều máu, nếu ra ít máu hoặc không ra máu nên theo dõi chuyển dạ.
3. Đối với trường hợp biến chứng nhau cài răng lược
Biến chứng nhau cài răng lượng được xem là hình thái lâm sàng nặng nhất của nhau tiền đạo, lúc này mạch máu tăng sinh nhiều ở đoạn dưới tử cung, đâm xuyên vào bàng quang thường gặp ở những thai phụ có vết mổ đẻ cũ. Do đó, việc phẫu thuật rất khó khăn, mất rất nhiều máu và tổn thương đến bàng quang.
Trường hợp này cần mổ lấy thai chủ động khi thai đủ tháng. Bác sĩ sẽ mổ dọc thân tử cung phía trên chỗ bánh nhau thai bám hoặc ở đáy tử cung để lấy thai. Bác sĩ thường không bóc nhau thai, cắt tử cung để hạn chế tối đa sự mất máu.
Phòng ngừa nhau tiền đạo
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê khuyến cáo, để có một thai kỳ khỏe mạnh và quá trình sinh nở an toàn, tránh được những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, thai phụ nên: hạn chế mang thai khi đã lớn tuổi, không khuyến cáo mang thai khi đã có đủ con; tuân thủ đúng các chỉ định mổ lấy thai để tránh sẹo tử cung không cần thiết; không hút thuốc lá, cũng như tránh hít phải khói thuốc lá khi mang thai; nghỉ ngơi, tránh việc nặng nhọc.
Sán phụ đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác khi có những dấu hiệu kể trên; nhập viện theo dõi khi được chẩn đoán mắc bệnh ở những tháng cuối thai kỳ.
Nhau tiền đạo là một trong những biến chứng thai kỳ gây nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi. Thai phụ được chẩn đoán mắc rau tiền đạo cần nhập viện theo dõi chặt chẽ, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ để có đánh giá chính xác, toàn diện, có quyết định chấm dứt thai kỳ thích hợp. Việc phẫu thuật lấy thai cần thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại hỗ trợ, cũng như thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho cả mẹ, bé.
Thúy Nguyễn