Nhồi máu não và xuất huyết não thường gặp trong bệnh lý tai biến mạch máu não (đột quỵ). Đột quỵ thường xảy ra bất ngờ và diễn tiến xấu đi nhanh chóng. Người bị đột quỵ cần điều trị y tế kịp thời để hạn chế tổn thương não nặng, tránh nguy hiểm đến tính mạng. Đột quỵ có thể xảy ra sau cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Song, cũng có thể xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước. Tìm hiểu thêm về yếu tố nguy cơ, triệu chứng và tiên lượng có thể giúp bạn hoặc người thân nếu gặp tình trạng này được cấp cứu kịp thời.
Phân loại
Đột quỵ cấp tính được chia thành hai loại là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (đột quỵ nhồi máu não) xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một vùng não bị cắt đứt do mạch máu bị cục máu đông chặn lại. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ gồm đột quỵ tắc mạch và đột quỵ huyết khối.
Đột quỵ tắc mạch do cục máu đông di chuyển từ tim hoặc một trong các mạch máu ở cổ và mắc kẹt trong não, dẫn đến tắc nghẽn nguồn cung cấp máu cho não. Đây là loại đột quỵ phổ biến nhất ảnh hưởng đến não. Với đột quỵ huyết khối, cục máu đông hình thành trong động mạch cung cấp máu cho não. Sau đó, cục máu đông sẽ cắt nguồn cung cấp máu và nguồn oxy cho phần não đó.
Đột quỵ xuất huyết
Đột quỵ xuất huyết (đột quỵ xuất huyết não) xảy ra khi một động mạch trong não bị vỡ, có thể do hình dạng bất thường như dị dạng động tĩnh mạch (AVM) hoặc vỡ phình động mạch. Đột quỵ xuất huyết có khả năng gây tổn thương não vĩnh viễn.
Triệu chứng
Các triệu chứng đột quỵ có thể tiến triển nhanh chóng nhưng và không thể dự đoán được mức độ nghiêm trọng hay kéo dài bao lâu.
Mọi người có thể dựa vào quy tắc F.A.S.T để nhận diện các triệu chứng phổ biến, bao gồm: tê hoặc yếu ở một bên cơ thể; khó nói hoặc khó hiểu những gì người khác đang nói; khó nhìn hoặc mất thị lực, mất thăng bằng, đi lại khó khăn hoặc ngã. Đau đầu đột ngột, cơn đau dữ dội, cổ cứng, đau mặt, đau giữa hai mắt và nôn mửa, hoang mang... cũng là những triệu chứng của đột quỵ.
Một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) giống như một cơn đột quỵ nhưng các triệu chứng có thể tự khỏi mà không gây tổn thương não vĩnh viễn. Nếu bạn từng bị thiếu máu não thoáng qua, tức là có ít nhất một yếu tố nguy cơ bị đột quỵ. Hầu hết những người bị TIA có thể bị đột quỵ trong vòng ba đến sáu tháng trừ khi các yếu tố rủi ro được xác định và điều trị.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ và TIA giống nhau. Các yếu tố không thể kiểm soát được bao gồm: tuổi tác, giới tính, di truyền và dân tộc, tiền sử gia đình bị đột quỵ.
Những yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát và hạn chế được bằng cách thay đổi lối sống, bao gồm: ít vận động, hút thuốc, uống nhiều rượu, sử dụng ma túy; sử dụng thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp hormone khác. Ngoài ra tình trạng mắc các bệnh lý mạn tính khác cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ như: bệnh tim, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường; cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), béo phì, bệnh động mạch cảnh.
Kim Uyên
(Theo Verywell Health)