Tay chân miệng là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ và chưa có vaccine phòng ngừa. Dù được xem là bệnh lành tính và có thể điều trị khỏi nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng rất nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, tổn thương cơ tim..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
Vì sao trẻ bị bệnh tay chân miệng?
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bệnh tay chân miệng (Hand, foot and mouth disease - HFMD) thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, một số ít ở người trưởng thành. Bệnh thường xảy ra quanh năm nhưng bùng phát cao điểm khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột gây nên. Có hai họ thường gặp nhất là virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71), trong đó, EV 71 ít gặp hơn nhưng lại gây ra những biến chứng nặng nề hơn.
Bác sĩ Kim Thoa dẫn thống kê của Cục Y tế Dự phòng cho thấy, số trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng chủ yếu là do virus EV71 gây ra, trong đó tỷ lệ tử vong phổ biến nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 75% - 86% trong tổng số các trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng ở trẻ em).
Virus gây bệnh tay chân miệng sống trong đường tiêu hóa và truyền nhiễm từ người này sang người khác. Trẻ rất dễ bị mắc bệnh khi tiếp xúc với nước bọt, chất dịch từ các bọng nước, chất nôn của người bệnh, giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng?
Điểm chung của bệnh tay chân miệng do các họ virus nói trên gây ra có biểu hiện ban đầu gần như giống nhau và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn.
Dựa trên lâm sàng có thể chia thành bốn giai đoạn nhận biết đặc trưng của bệnh tay chân miệng:
Giai đoạn ủ bệnh: diễn ra từ 3-7 ngày, thường khó nhận biết vì trẻ không có những biểu hiện cụ thể.
Giai đoạn khởi phát: diễn ra 1-2 ngày tiếp theo, khi đó trẻ đã có những biểu hiện cụ thể như sốt nhẹ, đau họng, biếng ăn, quấy khóc... Nếu trẻ sốt cao liên tục hoặc sốt kéo dài trên hai ngày rất có thể là dấu hiệu của biến chứng viêm não ở trẻ.
Giai đoạn toàn phát: kéo dài 3-10 ngày, kèm theo những triệu chứng rõ ràng hơn. Những biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ bị tay chân miệng là lở loét miệng và phát ban dạng sẩn hồng ban phỏng nước.
- Lở loét miệng: trong một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, trẻ sẽ xuất hiện những nốt ban như những chấm đỏ nhỏ ở phía trong miệng, trên đầu lưỡi, hay vòm miệng... Các nốt ban nhanh chóng trở thành bóng nước (2-3 mm) và loét ra gây đau khi nuốt, chảy nước dãi nhiều hơn bình thường và khiến trẻ biếng ăn.
- Phát ban trên da: xuất hiện những chấm tròn đỏ phẳng hoặc gồ trên mặt da tập trung chủ yếu ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khuỷu tay và mông. Đặc điểm của các sang thương da này là thường không ngứa, không đau và đa số không để lại sẹo khi lành.
- Các biến chứng về hô hấp, thần kinh, tim mạch thường xuất hiện vào ngày thứ 2-5 của giai đoạn này.
Giai đoạn lui bệnh: vào ngày thứ 7 từ lúc khởi bệnh, trẻ sẽ dần khỏe mạnh và phục hồi nếu không có những biến chứng nguy hiểm.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa cho biết, một số trường hợp bệnh tay chân miệng khi có những diễn biến nặng hơn sẽ đi kèm những triệu chứng cảnh báo như sốt cao không hạ, trẻ giật mình, kích thích quấy khóc liên tục, co giật, yếu chi, nôn ói liên tục, thở mệt... Khi đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách
Đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể tự hồi phục trong vòng 7-10 ngày, ngoại trừ những trường hợp có kèm biến chứng nặng.
Đối với trẻ mắc tay chân miệng thể nhẹ có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên cần tái khám theo hẹn để kịp thời phát hiện biến chứng. Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, chăm sóc trẻ đúng cách sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt được hiệu quả tốt hơn, giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Trong quá trình chăm sóc, có 4 yếu tố bố mẹ cần đặc biệt lưu ý gồm:
Thực hiện cách ly cho trẻ
Tay chân miệng là căn bệnh rất dễ lây lan ở nơi đông người như nhà trẻ, trường học, nơi công cộng. Ngay sau khi phát hiện trẻ mắc bệnh cần tiến hành cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác và người lớn trong nhà.
Phụ huynh không nên cho trẻ đến trường học trong khoảng thời gian 10-14 ngày kể từ ngày phát bệnh, cần thông báo rõ nguyên nhân tình trạng sức khỏe của trẻ để trường học có biện pháp theo dõi và giám sát kịp thời.
Người lớn chăm sóc trẻ cũng cần sử dụng khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên để tránh trường hợp lây nhiễm cho những người xung quanh.
Chú ý về chế độ dinh dưỡng
Biếng ăn, chán ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ khi mắc các bệnh tay chân miệng do các vết loét trong miệng gây đau đớn và khó chịu cho trẻ. Bố mẹ nên chuẩn bị cho trẻ những thức ăn mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa để trẻ có thể ăn được nhiều hơn. Bố mẹ cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày và chú trọng đến thành phần dinh dưỡng trong các món để bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho trẻ.
Tránh cho trẻ ngậm vú nhựa quá cứng, ăn bằng các dụng cụ có cạnh sắc bén. Hạn chế thức ăn quá nóng hoặc chua cay vì có thể khiến trẻ càng đau miệng và họng hơn.
Bổ sung thêm lượng nước thích hợp vì trẻ có nguy cơ mất nước do sốt và biếng ăn. Tuyệt đối không nên kiêng cữ quá mức nên cho trẻ ăn lại bình thường ngay khi trẻ có dấu hiệu giảm bệnh.
Giữ gìn vệ sinh
Giữ vệ sinh cẩn thận cho trẻ và người chăm sóc sẽ hạn chế bệnh tay chân miệng lây lan ở diện rộng và giúp quá trình điều trị đạt kết quả nhanh chóng hơn.
Trẻ cần được giữ vệ sinh sạch sẽ, không cần hạn chế tắm rửa khi bị bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, bố mẹ nên cho trẻ tắm trong phòng kín gió cùng xà phòng sát khuẩn.
Các vật dụng sử dụng cho trẻ như bình sữa, dụng cụ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi cần được sử dụng riêng biệt hoặc làm vệ sinh thường xuyên để khử khuẩn.
Quần áo, tã lót cần được thay mới thường xuyên và ngâm với các dung dịch sát khuẩn chuyên dụng.
Bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm mạnh nhất ở tuần đầu tiên, nhưng virus gây bệnh có thể tồn tại trong phân đến vài tháng sau đó. Do đó, việc xử lý các chất thải, phân đúng nơi và an toàn rất cần thiết.
Dùng thuốc đúng cách
Bố mẹ không được tùy tiện cho trẻ dùng các loại thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ Kim Thoa cho biết, sai lầm rất thường gặp đối với các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng là tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Trong khi nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là virus và thuốc kháng sinh không có tác dụng diệt được virus, chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn. Trên thực tế, dùng thuốc kháng sinh không mang lại tác dụng trong trường hợp này. Trường hợp trẻ bị sốt cao chỉ nên dùng thuốc hạ sốt hoặc các thuốc khác theo đơn của bác sĩ.
Bác sĩ Kim Thoa chia sẻ thêm, trong thời gian chờ đợi một loại vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng hữu hiệu, gia đình có thể chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng những biện pháp rất đơn giản, có thể thực hiện hằng ngày như khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; phụ huynh luôn rửa tay sau khi chăm sóc trẻ, thay tã, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho hay hắt hơi, khi chế biến thức ăn; ngăn trẻ chạm tay vào những nơi chưa được khử trùng sạch sẽ; làm sạch các vật dụng trẻ sử dụng hằng ngày... Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc có dấu hiệu nghi ngờ tay chân miệng.
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm khám và điều trị bệnh lý cho trẻ em. Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng trang bị hệ thống trang thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn, áp dụng quy trình diệt khuẩn, chống nhiễm khuẩn đa phương pháp theo tiêu chuẩn Bộ Y tế nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây truyền chéo cho trẻ khi đến thăm khám và điều trị.
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Để đặt lịch khám với các bác sĩ tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vui lòng liên hệ:
- Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 1800 6858
- TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789
- Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
- Xem thêm chuyên mục bệnh nhi tại đây.