Đau đầu là triệu chứng thường gặp và có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm mà chúng ta không ngờ tới, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.
TS.BS Lê Văn Tuấn (Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) giải đáp một số thắc mắc về cơn đau đầu và một số bệnh lý nguy hiểm có liên quan.
Đau đầu như sét đánh
Đau đầu như sét đánh là tình trạng đau đầu hiếm gặp với các triệu chứng như đau dữ dội và thường xuất hiện đột ngột, có thể kèm buồn nôn hay nôn. Cơn đau đầu có thể đạt tới cường độ đau cực đại trong vòng 60 giây, kéo dài khoảng 5 phút rồi hết.
Bác sĩ Tuấn chia sẻ, khi bị đau đầu dạng này, người bệnh cần đến cấp cứu ngay để được khám và loại trừ nguyên nhân nguy hiểm đến tính mạng như xuất huyết màng não.
Đau đầu do viêm động mạch thái dương
Viêm động mạch thái dương, còn được gọi là viêm động mạch tế bào khổng lồ hay viêm động mạch Horton, là tình trạng viêm động mạch ở vùng thái dương, thường khởi phát từ 50 tuổi trở lên. Nguyên nhân gây viêm động mạch thái dương cũng có thể gây viêm động mạch ở nơi khác như động mạch mi sau (có thể gây mù mắt) hay động mạch chủ và các nhánh của nó (có thể gây bệnh cảnh lâm sàng trầm trọng).
Triệu chứng nổi bật của bệnh lý này là đau đầu, thường có tính chất theo mạch đập, đau liên tục ở một hay hai bên đầu, đau vùng trán hay chẩm, đau có thể âm ỉ, đau nhói hay rát bỏng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có các triệu chứng khác như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau hàm, đặc biệt khi nhai, sờ đau ở vùng da đầu thái dương, sụt cân, chán ăn, đau cơ ở cánh tay, vai, hông, đùi, mông.
Viêm động mạch thái dương, nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng mù một hay hai mắt, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ, bệnh động mạch chi dưới.
Đau đầu sau chấn thương
Theo Hội Đau đầu Quốc tế, đau đầu sau chấn thương là hiện tượng đau đầu trong vòng 7 ngày sau khi bị chấn thương hoặc khi hồi phục ý thức (sau khi tỉnh lại do hôn mê) vì chấn thương. Loại đau đầu này thường kèm theo nhiều triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt; mất ngủ; kém tập trung, giảm trí nhớ; nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh; mệt mỏi; thay đổi khí sắc và nhân cách như trầm cảm, dễ bị kích động.
Đau đầu sau chấn thương thường hồi phục trong vòng 3 tháng, tuy nhiên nhiều trường hợp có thể kéo dài hơn. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ đau đầu kéo dài như tiền căn đau đầu trước đây.
Rối loạn stress sau chấn thương
Rối loạn stress sau chấn thương là một loại rối loạn tâm thần, xuất hiện ở người bị hoặc chứng kiến một biến cố gây chấn thương như các thảm họa thiên nhiên, tai nạn thảm khốc, xâm phạm tình dục hoặc tổn thương trầm trọng. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi người, mọi chủng tộc, quốc tịch, văn hóa và mọi lứa tuổi.
Người mắc bệnh rối loạn stress sau chấn thương thường bị rối loạn suy nghĩ nặng và các cảm xúc liên quan đến các biến cố vẫn tiếp tục kéo dài, mặc dù các biến cố chấn thương đã chấm dứt. Người bệnh có thể có cảm giác sống lại một đoạn các biến cố, hay gặp ác mộng, cảm thấy buồn, sợ hãi, giận dữ, cảm thấy tách biệt hoặc xa lạ với cộng đồng.
Người bệnh cũng có xu hướng lảng tránh các tình huống hoặc những người có thể gợi lại các biến cố này, đồng thời phản ứng tiêu cực dữ dội với những điều bình thường như tiếng ồn hoặc sự đụng chạm tình cờ.
Đau đầu sau khi ăn đồ ăn lạnh
Đau đầu do kích thích lạnh có thể xảy ra khi ăn đồ rất lạnh, uống nước đá hoặc đầu đột ngột tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, có thể gặp ở người nhạy cảm với cái lạnh. Khi tiếp xúc với đồ lạnh đột ngột mạch máu sẽ co lại để tránh làm mất nhiệt của cơ thể, sau đó giãn ra làm bùng phát cơn đau và sẽ biến mất khi cơ thể thích nghi với những thay đổi của nhiệt độ.
Triệu chứng của tình trạng đau đầu này bao gồm đau nhói, đau buốt ở vùng đỉnh đầu, đau tăng cực đại trong khoảng 20-60 giây sau đó giảm và hết, cơn đau hiếm khi kéo dài quá 5 phút.
Đau đầu khi gắng sức
Thông thường, khi cơ thể hoạt động nhiều như chạy, bơi, nâng tạ... sẽ không bị đau đầu. Song một số người có thể bị đau đầu nguyên phát do gắng sức với biểu hiện đau kiểu mạch đập, kéo dài dưới 5 phút, xảy ra trong lúc gắng sức hoặc ngay sau khi gắng sức.
Đau đầu sau khi ho
Một số người sau khi ho, đặc biệt ho một hơi dài có thể bị đau đầu nhưng tình trạng này không nguy hiểm. Đặc điểm của loại đau đầu này thường là khởi phát đột ngột hai bên đầu, ở vùng chẩm, xuất hiện trong khi ho hoặc ngay sau khi ho, kéo dài từ 1 giây - 2 giờ và thường gặp ở người trên 40 tuổi.
Đau đầu do căng mắt
Khi nhìn lâu một chỗ, các cơ vận nhãn phải co quá nhiều để giữ cho mắt đứng yên, gây đau đầu do căng mắt. Tình trạng đau này thường cảm giác được ở vùng sau mắt và có thể kèm theo các triệu chứng khác như mỏi mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, nhìn mờ, khó tập trung, tăng nhạy cảm với ánh sáng, cảm giác mắt khó mở to.
Tình trạng đau đầu do căng mắt không nguy hiểm nên người bệnh không cần phải lo lắng, chỉ cần nghỉ ngơi, giảm tập trung mắt là cơn đau đầu sẽ giảm. Trường hợp đau đầu nhiều, có thể dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol.
Đau đầu do rối loạn khớp thái dương hàm
Tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm có thể gây ra đau khớp, cơ cắn hoặc các cấu trúc liên quan ở một hoặc hai bên, dẫn đến đau đầu. Đau đầu sẽ tăng khi vận động hàm, vị trí đau thường xuất hiện ở vùng thái dương, vùng trước tai, ở vùng cơ cắn hoặc vùng mặt. Việc sờ hoặc ấn vào cơ cắn hoặc vận động thụ động hàm có thể làm cơn đau đầu tăng lên. Những trường hợp tổn thương khớp thái dương hàm do u, viêm xương, gãy xương thì không thuộc nhóm rối loại này.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, do có khá nhiều bệnh lý liên quan đến triệu chứng đau đầu nên việc chẩn đoán bệnh cần dựa vào tiền sử bệnh với các biểu hiện đặc trưng của đau đầu. Vì thế, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế nếu tình trạng đau đầu lặp đi lặp lại thường xuyên, không có dấu hiệu thuyên giảm để bác sĩ kiểm tra, xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra hướng điều trị kịp thời và hiệu quả.
Hoàng My