Trường học và trường đời khác nhau thế nào? Câu trả lời của Nhà bà Nữ - bộ phim điện ảnh mới nhất của Trấn Thành là: "Ở trường học, người ta học rồi mới thi; còn ở trường đời, người ta thi rồi mới học". Bản chất, tính cách con người rất khó thay đổi. Chỉ khi trải qua biến cố, mất mát, sau khi học được bài học đắt giá, người ta mới chịu đổi thay.
Ở trường học, cùng một giáo viên, cùng một chương trình, nhưng có người học giỏi, có người học dở. Ở trường đời, cũng vậy. Có những người "học dở" như bà Nữ, thi tận ba lần mới học được bài học của trường đời. Khi máu đã đổ, sinh mạng đã mất, người đã ra đi, tỉnh ra thì cũng lãng phí mấy chục năm hạnh phúc của các thành viên trong gia đình rồi. Rõ ràng, thông điệp của bộ phim rất rõ ràng.
Nhà bà Nữ thắng lớn chính nhờ sự tinh tế của Trấn Thành. Đã có những bình luận rằng phim như "kịch", như clip hài trên YouTube... Thế nhưng, vấn đề là phim phục vụ "người trong ngành" hay "người ngoài ngành"? Đúng là Nhà bà Nữ không có kịch bản đầy drama hay những cú twist chồng twist. Thay vào đó, Trấn Thành đưa ra một cốt truyện cực kỳ đơn giản mà ta có thể thấy ít nhiều trong chính gia đình mình, bạn bè mình, hàng xóm mình.
Không khung cảnh lộng lẫy sang trọng, nhà làm phim mang đến hình ảnh một con hẻm nhỏ chật chội, một quán ăn bình dân lộn xộn. Phim cũng không có các mỹ nhân nổi tiếng. Ngoài Trấn Thành, các diễn viên đều không phải sao hạng A, và họ hóa thân thành những nhân vật rất bình thường ngoài đời.
Thế nhưng, đó mới là điều khán giả cần. Thời đại "thế giới phẳng", khán giả có thể mãn nhãn với vô số phim giải trí với kỹ xảo đỉnh cao khắp toàn cầu, thế nhưng lại thiếu một sản phẩm phản ánh đời sống thuần Việt, để người ta thấy mình trong đó, để chiêm nghiệm, để học cách đối nhân xử thế. Tại sao nhiều người xem không nhận thấy điều đó?
>> 'Ngáp ngắn ngáp dài xem phim Nhà bà Nữ'
Những nhân vật, những tình huống trong phim hoàn toàn có ở ngoài đời. Họ mang lại hàng loạt bài học quý giá:
Quyền được thất bại: Nhi là một cô bé sống trong sự bao bọc quá mức của người mẹ. Cô không có quyền tự quyết định bất cứ điều gì, từ những chuyện nhỏ như ăn mặc, đến việc chọn nghề, chọn trường, chọn người yêu, đến cả Facebook cũng do mẹ kiểm soát. Mà đã là con người thì luôn có cái tôi. Cái tôi ấy bị đè nén lâu ngày, như một chiếc lò xo, đến một lúc nào đó, sẽ bật tung phản kháng.
Nguy hiểm ở chỗ, đối với một người cả đời chưa từng được quyết định việc gì, thì họ làm gì có kỹ năng ra quyết định, nên khó tránh mắc phải sai lầm ngay lần đầu. Và Nhi đã sai lầm "chết người". Kỹ năng ra quyết định cũng phải được học từ một quá trình dài những thất bại từ khi còn nhỏ. Thế nên, ai cũng có quyền được thất bại, để rồi dần trưởng thành hơn sau những thất bại đó.
Lọ Lem chưa chắc sẽ hạnh phúc bên hoàng tử: vì họ quá khác nhau. Như cái cách người cha uy quyền và người mẹ dịu dàng của John không thể chấp nhận thái độ thô lỗ của bà Nữ. Như câu John thốt lên trong lúc cãi nhau: "Em đừng đập phá mọi thứ, đừng xưng hô 'mày' - 'tao' với anh được không?". Nhưng Nhi đã lớn lên trong tiếng chửi rủa ngoa ngoắt của mẹ và chị gái, nó đã trở thành một phần con người cô, làm sao cô thay đổi được?
Giữa Nhi và John có sự thu hút nhau về ngoại hình, có sự đồng cảm trong sở thích và khát khao thoát khỏi sự áp đặt của cha mẹ, nhưng lại thiếu đi sự hòa hợp trong tính cách của nhau. Vì thế, dù "Lọ Lem" Nhi có cưới "hoàng tử" John thì cũng sẽ lại là một cặp Như – Nhuận thứ hai mà thôi.
>> 'Doanh thu phòng vé chứng minh chất lượng phim Nhà bà nữ'
Tình yêu sẽ chết nếu không có sự tôn trọng nhau: Chồng bà Nữ và Nhuận đều từng là những người đàn ông tử tế và yêu thương vợ. Thế nhưng chính sự chua ngoa của những người phụ nữ đã làm tổn thương họ, giết chết tình yêu trong họ và đẩy họ ra xa.
Đừng mãi đóng vai nạn nhân: Bà Nữ luôn đóng vai nạn nhân trong những biến cố xảy ra trong đời mình. Chính vì thế, bà không thể thấy được sai lầm của chính mình, không thấy được nỗi khổ của chồng, của các con và không thể thay đổi bản thân, khiến mọi thứ cứ lặp lại và bế tắc cả mấy chục năm. Khi sự cố xảy ra, chúng ta cẩn được vuốt ve, cần được an ủi. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta cũng cần tỉnh táo nhận lấy bài học để sống tốt hơn.
Dĩ nhiên, phim của Trấn Thành vẫn còn một số hạt sạn gây khó chịu cho khán giả, như chửi thề khá nhiều, món bánh canh không đóng vai trò gì quan trọng nên kéo theo nhân vật của Lê Dương Bảo Lâm trở nên thừa thãi, hay một số lời thoại cũng còn khô cứng và giáo điều... Tuy nhiên, trên tất cả, thứ quan trọng nhất là điều đọng lại sau bộ phim. Nếu xem phim xong, khán giả thấy mình trong đó, và sẵn sàng cho một phiên bản tốt hơn của chính mình, để hạnh phúc hơn trong năm mới, thì chẳng phải đó là giá trị và chất lượng của một tác phẩm hay?
Trần Thị Thiên Vân
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.