Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường và thường gây ra các triệu chứng như run rẩy, lú lẫn và choáng váng. Bất kỳ ai cũng có thể bị hạ đường huyết nhưng phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường dùng insulin. Các chuyên gia y tế khuyến cáo có thể cải thiện lượng đường trong máu thấp nhẹ bằng cách tuân quy tắc 15-15.
Quy tắc 15-15
Khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70 mg/dL, bạn nên tiêu thụ 15 gram carbohydrate và kiểm tra lại lượng đường trong máu sau 15 phút. Nếu lượng đường trong máu vẫn thấp thì lặp lại quá trình trên.
Ví dụ: có thể tiêu thụ 15 gram carbohydrate như viên nén glucose hoặc nước cam, chờ 15 phút sau và đo lại lượng đường trong máu. Nếu lượng đường trong máu vẫn từ 55-69 mg/dL, hãy tiêu thụ thêm 15 gram carbohydrate. Tiếp tục lặp lại cho đến khi lượng đường trong máu tăng lên trên 70 mg/dL.
Trẻ em thường không cần đến 15 gram carbohydrate. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, trẻ sơ sinh chỉ cần 6 gram, trẻ mới biết đi cần 8 gram và trẻ lớn hơn chỉ cần 10 gram.
Quy tắc 15-15 chỉ áp dụng cho lượng đường trong máu từ 55-69 mg/dL, không nên thực hiện khi lượng đường trong máu dưới 55 mg/dL. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, glucagon tiêm là cách tốt nhất để điều trị lượng đường trong máu thấp nghiêm trọng (dưới 54 mg/dL).
Khi muốn tăng lượng đường trong máu tăng lên nhanh chóng, bạn nên ăn những thực phẩm được tạo thành chủ yếu từ đường đơn. Thực phẩm có nhiều chất xơ, protein hoặc chất béo sẽ mất nhiều thời gian hơn để phân hủy. Các loại carbohydrate có thể sử dụng để tăng lượng đường trong máu với khẩu phần ước tính để có được 15 gram đường: 4 viên glucose; 1/2 lon nước ngọt thông thường; 1/2 cốc nước ép trái cây; 3 viên kẹo cứng; một thìa đường, sirô hoặc mật ong.
Những triệu chứng hạ đường huyết
Sau khi ăn carbohydrate, hệ thống tiêu hóa sẽ phân hủy các carbohydrate này thành một loại đường gọi là glucose. Glucose từ hệ tiêu hóa đến máu lưu thông khắp cơ thể và cung cấp năng lượng cho các mô và cơ quan. Bộ não phụ thuộc chủ yếu vào glucose để cung cấp năng lượng. Khi lượng đường trong máu giảm xuống làm suy giảm khả năng phán đoán và khó tập trung.
Hạ đường huyết là khi mức đường huyết giảm xuống dưới mức bình thường. Mức đường huyết dưới 70mg/dL được coi là thấp và mức dưới 55 mg/dL được coi là rất thấp. Các triệu chứng của lượng đường trong máu thấp nhẹ gồm: đói, run rẩy hoặc bồn chồn, mệt mỏi, chóng mặt, lú lẫn, cảm giác lâng lâng, cáu gắt, nhịp tim nhanh và khó nói rõ ràng. Khi lượng đường trong máu thấp nghiêm trọng có thể gây ra co giật, mất ý thức, hôn mê hoặc có thể tử vong.
Nếu lượng đường trong máu giảm xuống trong khi đang ngủ, bạn có thể gặp các triệu chứng như: khóc thét hoặc gặp ác mộng, cảm thấy mệt mỏi, bối rối hoặc cáu kỉnh sau khi thức dậy, đổ mồ hôi.
Những người dùng insulin để điều trị bệnh tiểu đường dễ bị lượng đường trong máu thấp. Nhiều yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của lượng đường trong máu thấp như: vận động quá lâu mà không tiêu thụ carbohydrate, không ăn trong một thời gian dài, dùng quá nhiều insulin, không ăn đủ carbohydrate để cân bằng insulin, dùng insulin sai thời điểm, uống quá nhiều rượu, một số loại thuốc như thuốc điều trị viên gan C...
Để có thể giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên, luôn mang theo đồ ăn nhẹ có đường, không bỏ bữa, ăn nhẹ trước khi tập thể dục. Bạn nên hỏi bác sĩ có nên dùng ít insulin trước khi tập thể dục cường độ cao hay không, hạn chế uống rượu. Điều quan trọng là phải điều trị lượng đường trong máu thấp ngay khi nhận thấy các triệu chứng để giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp nghiêm trọng.
Mai Cát
(Theo Healthline)