Tái nhiễm bệnh phụ khoa là tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tái phát nhiều lần trong thời gian ngắn sau điều trị. BS.CKII Nguyễn Thị Lương, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, giải thích một số lý do khiến phụ nữ dễ tái bệnh.
Mất cân bằng hệ vi sinh âm đạo
Môi trường âm đạo của nữ giới bao gồm nhiều loại vi khuẩn có lợi, trong đó chủ yếu là lợi khuẩn lactobacillus. Những lợi khuẩn này giúp duy trì độ pH axit tự nhiên, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây bệnh.
Khi môi trường này bị phá vỡ do sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài, stress, thay đổi hormone, vệ sinh quá mức hoặc dùng dung dịch có tính sát khuẩn mạnh liên tục, các lợi khuẩn có thể bị tiêu diệt. Trong khi hại khuẩn phát triển nhanh chóng, gây viêm nhiễm. Ngay cả khi điều trị khỏi triệu chứng, nếu hệ vi sinh chưa được tái lập hoàn toàn, nguy cơ tái nhiễm cao.
Thay đổi nội tiết tố nữ
Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc âm đạo và cân bằng độ pH. Khi nội tiết tố suy giảm (thường xảy ra trong giai đoạn kinh nguyệt, mang thai, tiền mãn kinh, dùng thuốc tránh thai), môi trường âm đạo thay đổi, dễ trở nên khô rát, mất tính axit tự nhiên, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Vệ sinh vùng kín sai cách
Bác sĩ Lương cho biết đây là yếu tố thường gặp nhất dẫn đến tái nhiễm phụ khoa. Thói quen thụt rửa sâu vào âm đạo, sử dụng dung dịch vệ sinh chứa nhiều hóa chất gây kích ứng hoặc lạm dụng xà phòng có độ kiềm cao... làm mất cân bằng hệ vi sinh âm đạo, thậm chí tổn thương lớp niêm mạc, pH mất ổn định, đều dẫn đến viêm nhiễm.
Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ như không thay băng vệ sinh thường xuyên trong kỳ kinh nguyệt, không lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo. Mặc quần lót quá chật, chất liệu không thoáng khí cũng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển.
Quan hệ tình dục không an toàn
Không sử dụng bao cao su, quan hệ với bạn tình có mang mầm bệnh làm tăng nguy cơ tái nhiễm bệnh phụ khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Quan hệ tình dục trong thời gian đang điều trị viêm nhiễm cũng làm chậm quá trình hồi phục và khiến vi khuẩn dễ xâm nhập trở lại.

Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa tư vấn cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Không tuân thủ điều trị đúng cách
Tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm Candida, trùng roi Trichomonas... khó kiểm soát và tiêu diệt nếu không được điều trị đúng cách, theo bác sĩ Lương. Trong môi trường ẩm ướt, nhiệt độ lý tưởng, chúng sinh sôi nhanh hơn. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh, kháng nấm, thuốc bôi hoặc thuốc đặt âm đạo, tùy theo nguyên nhân gây bệnh.
Nếu nữ giới tự ý ngừng thuốc khi thấy triệu chứng giảm... có thể khiến vi khuẩn, nấm không bị tiêu diệt hoàn toàn, tăng nguy cơ kháng thuốc. Tự ý sử dụng thuốc khi chưa được bác sĩ khám, xác định tác nhân gây bệnh, không có chỉ định của bác sĩ có thể khiến người bệnh đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như loạn khuẩn, nhờn thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị về sau. Trường hợp dùng sai loại thuốc như dùng kháng sinh điều trị viêm do nấm sẽ không hiệu quả làm cho bệnh kéo dài, viêm nhiễm lan rộng, diễn biến phức tạp.
Tâm lý căng thẳng
Phụ nữ có mức độ căng thẳng cao dễ bị viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc nấm hơn so với bình thường. Stress kéo dài ảnh hưởng giấc ngủ, sinh hoạt thiếu lành mạnh, ăn uống thiếu chất hoặc chế độ ăn mất cân đối... làm giảm sức đề kháng tự nhiên của cơ thể, không đủ khả năng chống lại tác nhân gây bệnh.
Hệ miễn dịch suy yếu
Người có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh lý (tiểu đường, HIV, béo phì...), sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (corticoid) hoặc suy dinh dưỡng dễ bị nhiễm trùng và tái nhiễm bệnh phụ khoa.
Tổn thương niêm mạc âm đạo
Quan hệ tình dục thô bạo, nạo phá thai không an toàn hoặc các thủ thuật phụ khoa không đảm bảo gây tổn thương niêm mạc âm đạo khiến nữ giới nhạy cảm hơn với các tác nhân gây nhiễm trùng.
Bác sĩ Lương khuyến cáo nữ giới nên chọn đồ lót cotton thoáng khí, thay đồ lót thường xuyên, tránh mặc quần jeans hoặc đồ bó sát trong thời gian dài. Vào những ngày kinh nguyệt, nữ giới cần giữ vệ sinh cá nhân bằng cách thay băng thường xuyên. Vệ sinh vùng kín bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, không thụt rửa sâu. Quan hệ tình dục an toàn, kiêng quan hệ trong quá trình điều trị, dùng thuốc theo đúng hướng dẫn và tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Nữ giới nên tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng cân bằng, nghỉ ngơi hợp lý, luyện tập thể thao thường xuyên và giữ tinh thần thư giãn. Khám phụ khoa ít nhất 6 tháng một lần cũng là cách phát hiện sớm bất thường và xử lý kịp thời.
Khi có dấu hiệu viêm phụ khoa như ngứa rát ở vùng kín, âm đạo chảy máu hoặc tiết dịch bất thường, màu sắc khác lạ và mùi hôi, tiểu khó, tiểu buốt, đau khi quan hệ tình dục... người bệnh cần đi khám sớm. Bác sĩ hướng dẫn phương pháp phù hợp giúp điều trị bệnh dứt điểm.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |