Bệnh tuyến giáp là các bất thường về cấu trúc hoặc rối loạn chức năng tuyến giáp, khiến lượng hormone giáp tiết ra vượt mức hoặc ít hơn nhu cầu của cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể về mặt giải phẫu cũng như sinh lý là nguyên nhân khiến phụ nữ dễ mắc các bệnh tuyến giáp. "Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao gấp 5-8 lần nam giới", bác sĩ Tuyền nói.
Thay đổi trong quá trình mang thai và sinh con: Tuyến giáp của thai phụ có thể tăng kích thước, lớn hơn 10-15% so với khi không mang thai. Phụ nữ thiếu iốt dễ bị bướu cổ trong thai kỳ hơn.
Trong thai kỳ, các hormone βhCG góp phần giúp các bệnh lý tự miễn của thai phụ ổn định. Tuy nhiên, sau sinh những bệnh này có nguy cơ bùng phát, dẫn đến cường giáp (tăng sản xuất hormone tuyến giáp) hoặc viêm giáp. Phụ nữ sau sinh mắc bệnh tuyến giáp thường có các triệu chứng như táo bón, trầm cảm, chán ăn, lo lắng, nhịp tim nhanh, khó thở...
Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh: Mãn kinh là giai đoạn phụ nữ dễ đối mặt với các vấn đề về tuyến giáp nhất, theo bác sĩ Tuyền. Những triệu chứng của bệnh tương đối giống với các thay đổi tâm sinh lý thời kỳ mãn kinh, do đó dễ bị nhầm lẫn, bỏ qua cơ hội điều trị sớm. Những tình trạng tuyến giáp ở phụ nữ mãn kinh hay gặp nhất là nhân giáp hoặc đa nhân giáp lành tính.
Rối loạn miễn dịch: Cường giáp, suy giáp (giảm sản xuất hormone tuyến giáp) là bệnh tự miễn dịch do các tế bào trong hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào tế bào tuyến giáp, làm suy yếu chức năng tuyến giáp. Phụ nữ thường có nguy cơ mắc các rối loạn tự miễn cao hơn nam giới. Hiện, chưa kết luận được nguyên nhân chính xác của tình trạng này nhưng khả năng có liên quan đến yếu tố môi trường và di truyền.
Di truyền: Các bệnh tuyến giáp có tính chất gia đình. Nếu người thân gần gũi trong gia đình (ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột...) có tiền sử mắc bệnh tuyến giáp thì các thế hệ sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
Các yếu tố khác: Yếu tố môi trường như ô nhiễm, tiếp xúc với tia X, các hóa chất độc hại, stress kéo dài, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các thuốc có chứa iốt... cũng tác động xấu đến hệ miễn dịch và góp phần tăng nguy cơ phát triển các bệnh tuyến giáp ở cả hai giới.
Mỗi loại bệnh tuyến giáp gây ra các dấu hiệu bệnh tuyến giáp ở phụ nữ khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn, tình trạng cụ thể... Nhìn chung, các triệu chứng phổ biến nhất thường liên quan đến cảm xúc, tâm lý, khả năng chịu nóng hoặc lạnh, thay đổi cân nặng, nhịp tim, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
Nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp vẫn chưa được xác định nên không có cách nào loại trừ nguy cơ mắc bệnh. Bác sĩ Tuyền khuyến cáo phụ nữ nâng cao sức khỏe, phòng ngừa các rối loạn tuyến giáp như bổ sung đủ iốt, ăn uống lành mạnh, hạn chế stress, tập thể thao đều đặn, tránh tiếp xúc với các chất độc hại, khám sức khỏe định kỳ.
Bảo Ngọc
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |