Trả lời:
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 người đột quỵ, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới nhiều gấp 4 lần nữ. Số người trẻ bị đột quỵ có xu hướng tăng.
Người trẻ bị đột quỵ thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, người trẻ mắc các bệnh lý gồm tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì, cholesterol cao, bệnh rung nhĩ, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính không lây nhiễm ở người trẻ tuổi ngày càng nhiều.
Người trẻ có thói quen lười vận động, stress nhiều, thừa cân, ăn nhiều chất béo, lạm dụng thuốc, rượu bia, hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một số nguyên nhân bệnh lý bẩm sinh như dị dạng mạch máu não hoặc phình mạch lớn dần, gây vỡ cũng dẫn đến đột quỵ.
Đa phần các yếu tố nguy cơ nói trên có thể thay đổi được bằng cách phát hiện sớm và điều trị tích cực.
Huyết áp cao thường không được phát hiện và gây ra đột quỵ bất ngờ với người trẻ. Việc theo dõi, đánh giá và điều trị huyết áp cao rất quan trọng. Tập thể dục, ăn uống khoa học cũng có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, mỡ máu cao, béo phì, tiểu đường, sử dụng rượu bia có thể ngăn ngừa đột quỵ.
Những người trẻ tuổi bị đột quỵ thường đến bệnh viện cấp cứu muộn hơn những người lớn tuổi, vì họ chủ quan không nghĩ mình đột quỵ. Người có các triệu chứng nghi ngờ như đau đầu tê yếu tay chân, mất thăng bằng, miệng lệch, khó nói, nói đớt, đau đầu đột ngột, nhìn mờ, cần đến bệnh viện có chuyên môn cấp cứu đột quỵ ngay lập tức.
Tùy vào thể loại đột quỵ, người bệnh được cấp cứu điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, can thiệp nội mạch lấy cục máu đông khỏi mạch máu hoặc phẫu thuật bít tắc mạch máu vỡ, loại bỏ khối máu tụ trong não.
BS.CKI Trần Thanh Thúy
Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |